CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

WB: Chính sách và đầu tư đúng giúp Việt Nam tiến xa hơn trong hội nhập

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 15/1,  ông Ousmane Dione nhấn mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và logistics hiệu quả đóng vai trò quan trọng nhằm giảm chi phí thương mại và giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa với thị trường quốc tế và nội địa.

Sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình thương mại quốc tế và tiêu dùng nội địa cùng với rủi ro thiên tai ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu kết nối trong tương lai của Việt Nam... 

Nâng cấp hệ thống kết nối, không chỉ bao gồm kết cấu hạ tầng mà còn cả dịch vụ vận tải và logistics, bằng chính sách và đầu tư đúng sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong việc tăng cường hội nhập, phát triển bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 cho thấy hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm: 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ.

Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới.

Hệ thống giao thông nội địa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn.

Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả còn tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.

WB: Bằng chính sách và đầu tư đúng, giúp Việt Nam tiến xa hơn trong hội nhập - Ảnh 1.

Báo cáo nhấn mạnh các bước Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết tình trạng phân mảnh trong kết nối nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương quốc tế. Sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế bằng cách lồng ghép tư duy mạng lưới trong quá trình quy hoạch và phát triển các cửa ngõ thương mại, loại bỏ quy hoạch phi tập trung hiện tại.

Báo cáo cũng nêu bật một vấn đề thường ít được chú ý, đó là mức độ lạc hậu của hệ thống giao thông và logistics trong nước so với nhu cầu ngày càng phức tạp từ tầng lớp tiêu dùng trung lưu. Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với yêu cầu lớn hơn về các dịch vụ tiêu chuẩn cao như mức độ an toàn, đúng hẹn, độ tươi mới và truy xuất nguồn gốc với mức giá cạnh tranh.

Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng đã chuyển biến nhanh chóng nhưng chuỗi cung ứng lại hầu như không thay đổi. Phần lớn người tiêu dùng vẫn chủ yếu mua sắm tại các chợ truyền thống.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại hình dịch vụ logistics mới bao gồm: Kết nối nhận hàng, giao hàng tận nơi và giao hàng chặng cuối, đặc biệt là các bưu kiện cỡ nhỏ, giá trị thấp. Điều này đặt ra thách thức lớn hơn nữa cho các thành phố của Việt Nam vốn đã quá tải với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và mật độ xây dựng cao.

Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp chính nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics để hội nhập tốt hơn thị trường nội địa.

Nâng cấp kết nối mềm bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi và cung cấp các ưu đãi về tài chính để hỗ trợ sự phát triển của các nhà cung cấp dịch vụ logistics và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Rà soát kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics tại các thành phố bằng cách lồng ghép quy hoạch không gian hạ tầng thị trường và các cơ sở logistics trong công tác lập quy hoạch đô thị sắp tới.

Giảm chi phí thương mại và vận chuyển

Theo đánh giá của bà Jen Jung Eun Oh, chuyên gia giao thông cao cấp của WB, thương mại Việt Nam tăng trưởng cùng với hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam sẽ được hỗ trợ lớn khi tham gia vào thị trường toàn cầu thông qua chiến lược kết nối và như vậy, khi thực hiện phân tích không gian có thể giải quyết được câu hỏi những hành lang quan trọng nào Việt Nam mong muốn cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh thương mại.

Những hành lang quan trọng nằm tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh thành, vùng tham gia vào chuỗi giá trị. Việc đảm bảo chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logicstics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển liên quan đến các chuỗi giá trị, điều rất quan trọng đối với khả năng xuất khẩu của Việt Nam.

“Sửa nhà khi trời tốt”

Thêm một lần nữa khẳng định khả quan về nền kinh tế Việt Nam - mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam, tuy nhiên, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam cũng khuyến nghị: “Người ta cũng thường nói rằng bạn nên sửa nhà khi trời tốt”.

Ông Ousmane Dione cho rằng, để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng, Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông. Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt. Nhưng với dư địa tài khóa hạn chế hiện tại cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương.

Tiếp đó là hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để hỗ trợ tốt hơn các chuỗi giá trị quan trọng nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Việt Nam cần hài hòa tốt hơn mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và tăng cường chuỗi giá trị với các mục tiêu cải thiện kết nối vì hiện tại chưa có chính sách hay chiến lược cụ thể nào về kết nối hướng tới thúc đẩy thương mại và quy hoạch, đầu tư vào giao thông.

Cuối cùng, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế bằng cách ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật số giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thị trường.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh