THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:54

Vượt biên để ... kết hôn!

 

Ông Lò Văn Tuấn.

Lấy nhau vì “ưng cái bụng”

Mường Lát là huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh gần 240km, lại có biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Trong đó người Thái, người Mông chiếm đa số. Với những người đồng bào miền xuôi, tấm giấy hồng đăng ký kết hôn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đảm bảo những quyền lợi hợp pháp trong hôn nhân. Thế nhưng, với người ở nơi rẻo cao biên giới này, tấm giấy hồng ấy vẫn còn là một thứ gì đó xa vời. Họ đến với nhau chỉ vì “ưng cái bụng” và cũng chỉ cần sự tác hợp của 2 gia đình, dòng họ. Qua vài bận hai gia đình “thăm nhau”, một đám cưới cưới nho nhỏ được tổ chức có già làng, trưởng bản chứng kiến thế là nên Vợ nên chồng. Chỉ đến khi cán bộ hỏi giấy kết hôn, hay các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, không ít người khi đấy mới vỡ lẽ mình đã vi phạm phạm pháp luật.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Trong vài năm gần đây tình trạng người dân kết hôn không hôn thú có giảm, tuy nhiên thống kê từ năm 1986 đến nay trên địa bàn huyện có tới 255 trường hợp kết hôn không giá thú sang Lào, 19 hộ với 32 nhân khẩu di cư tự do sang Lào.

Người dân các xã vùng cao đi chợ huyện.

Trong đó, kết hôn sang biên giới tỉnh Hủa Phăn (Lào) là 194 trường hợp. Các trường hợp có quan hệ hôn nhân này đều đã có con chung, tài sản chung, ngoài ra còn có nhiều trường hợp công dân Lào đã sinh sống ổn định lâu dài tại Việt Nam. Do hạn chế về trình độ văn hóa, họ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký. Trên thực tế, con số ấy có thể còn cao hơn.

Hầu hết, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao, biên giới: Quang Chiểu, Mường Chanh, Tén Tằn...  Nói là hai đất nước, song bà con người Mông, người Thái ở vùng biên giới Việt – Lào này luôn xem nhau như anh em ruột thịt, có quan hệ mật thiết với nhau từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, gia đình... Họ lấy nhau mà không biết mình vi phạm pháp luật bởi không hôn thú. Không ít trường hợp khi chính quyền nước bạn tiến hành kiểm tra, rà soát đều phải lẩn trốn. May mắn hơn, có những người được gia đình, làng bản giúp đỡ, che chở, tạo điều kiện rồi sinh con cái, nuôi dưỡng trưởng thành lại vào công tác ở nhiều vị trí trong các cơ quan bên nước bạn.

Ông Lộc Văn En (ngồi giữa) trao đổi với PV. 

 

Khó như... giấy kết hôn

Ông Lộc Văn En, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, một xã có đông số người kết hôn không hôn thú cho biết: Chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở xã đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền tới các hộ dân việc con em mình kết hôn không đăng ký là vi phạm pháp luật. Rồi thường xuyên giao ban, rà soát, phối hợp với địa phương nước bạn trong công tác kiểm tra, xử lý. Không phải các hộ đồng bào không tôn trọng pháp luật nhưng đa phần đều thiếu hiểu biết. Thêm nữa chính quyền xã cũng đã tạo điều kiện hết mức nhưng cấp xã lại không có đầy đủ chức năng cấp giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Muốn có, họ phải đi huyện, đi tỉnh để xin, rồi lại phải chờ đợi. Mường Chanh là xã xa nhất của huyện Mường Lát, đời sống ngày càng được cải thiện nhưng để đi gần 300km xuống tỉnh chỉ để xin một tấm giấy đăng ký kết hôn thì với những người Thái, người Mông ở vùng biên giới này là cả một vấn đề...

Bà Lương Thị Pốn (ngồi giữa) trao đổi với PV. 

Bà Lương Thị Pốn, bản Na Hin, xã Mường Chanh có con gái lấy chồng năm 2000, hiện con đang ở bản Xốm Pói, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay (Lào) cho biết: “Thấy chúng nó thương nhau nên gia đình cũng đồng ý nhưng không đề xuất làm giấy kết hôn lên xã bởi thủ tục rườm rà, rồi phải đợi đi huyện, đi tỉnh. Khi cưới, chúng tôi cũng làm đầy đủ theo phong tục truyền thống hai bên, có già làng, trưởng bản, rồi có báo cáo qua chính quyền địa phương. Thỉnh thoảng gia đình chúng tôi vẫn thường sang thăm cháu. Chúng nó nên vợ nên chồng, lại ở gia đình có chút điều kiện nên cuộc sống hiện tại cũng rất hạnh phúc. Chứ thực ra, có biết kết hôn mà không đủ thủ tục như vậy là phạm pháp đâu...?”. Cũng giống như gia đình bà Pốn, gia đình ông Lò Văn Úi có con lấy chồng mãi Viêng Chăn, lại ở vào gia đình khá giả nhưng cũng chẳng có giấy tờ hợp lệ theo pháp luật.

Một góc bản làng vùng cao huyện Mường Lát.

Gia đình bà Pốn, ông Úi chỉ là hai trong số ít những trường hợp may mắn có con sống ổn định bên đất bạn Lào. Tuy vậy, những quyền lợi hợp pháp nhất trong hôn nhân thì không được đảm bảo, bởi không phải cuộc hôn nhân nào cũng yên ấm. Khi đã là vợ chồng thì tài sản là của chung và nếu chẳng may hôn nhân đổ vỡ thì thiệt thòi nhất vẫn chỉ là phụ nữ và trẻ nhỏ. Hệ lụy nhãn tiền là chính quyền địa phương rất khó can thiệp, giải quyết mâu thuẫn trong các “gia đình không biên giới” này. Nhiều phụ nữ kém may mắn thì trở thành công cụ lao động, nếu có ốm đau, bệnh tật, nhất là không sinh được con trai sẽ bị đuổi, hoặc gia đình chồng báo cho công an bắt và trục xuất về Việt Nam vì cư trú bất hợp pháp, không có đăng ký kết hôn...

Nói thêm về vấn đề này, ông Lò Văn Tuấn cho biết: Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện đề án  Thỏa thuận giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú giữa vùng biên hai nước, hiện tại các cấp chính quyền đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ. Đối với những trường hợp kết hôn từ 2015 trở về trước chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện làm thủ tục kết hôn, nhập quốc tịch để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp nhất. Đối với những trường hợp kết hôn từ năm 2016 phải có đầy đủ đăng ký kết hôn. Hiện tại chúng tôi cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân vùng biên nắm rõ và thực hiện. Có như vậy, những quyền lợi hợp pháp của người dân mới được đảm bảo.       

ANH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh