CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Vượt bà Phương Thảo, tỷ phú USD thứ 5 Việt Nam xuất hiện

 

Phiên giao dịch 22/1 đã chứng kiến một sự cố kỹ thuật hy hữu 10 năm mới có 1 lần nhưng dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường với hàng loạt các cổ phiếu trụ cột tiếp tục lập đỉnh mới khiến túi tiền của nhiều đại gia phình nở liên tục.

Với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng dữ dội trong các phiên gần đây, ông Trần Đình Long đã chính thức trở thành tỷ phú USD mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) nhờ sở hữu hơn 381 triệu cổ phiếu HPG.

Trong phiên 22/1, HPG tăng 6,5% lên 63.600 đồng/cp. Qua đó, ông Trần Đình Long đang sở hữu khối tài sản quy từ cổ phiếu HPG trị giá khoảng 24,3 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD).

Như vậy, ông Trần Đình Long là tỷ phú USD thứ 5 trên TTCK sau ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (chủ tịch VietJet VJC), ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Masan) và ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC, ROS).

Ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được Forbes xếp hạng tỷ phú USD. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang vừa được xếp hạng tỷ phú USD hôm 19/1.

 

 

Nếu xét khối tài sản theo số lượng cổ phiếu trực tiếp nắm giữ trên sàn, ông Trần Đình Long thậm chí còn vượt bà Nguyễn Thị Phương Thảo và là người giàu thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau ông Vượng và ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trần Đình Long lọt top tỷ phú USD Việt Nam chủ yếu nhờ sự bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây. Trong vòng 6 tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng.

Doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam của ông Long vừa báo lợi nhuận sau thuế cao lịch sử, đạt 8 ngàn tỷ đồng,  vượt 21% so với năm trước. Đây được xem là một trong những cổ phiếu “không đỉnh” đang tăng trưởng như vũ bão trên TTCK.

Cổ phiếu VJC và HDB của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng ở chung tình cảnh, tăng không thấy đỉnh trong nhiều tuần gần đây. Bà Thảo hiện đang trực tiếp sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu VJC và gần 36 triệu cổ phiếu HDB, trị giá tổng cộng hơn 24 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tính cả số cổ phiếu VJC sở hữu gián tiếp thì bà Thảo đang có khối tài sản 3,1 tỷ USD, giàu thứ 2 tại Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển bất ngờ tiến vào lĩnh vực nông nghiệp với việc thành lập Công ty Phát triển Nông Nghiệp Cuộc sống Xanh T&T -  T.Vita chuyên về nông sản an toàn được sản xuất theo công nghệ cao

Được biết, để chuẩn bị cho chiến lược tiến vào nông nghiệp, T&T đã tập trung cho mình một quỹ đất sản xuất lớn. Hiện T.Vita đang phát triển khu trang trại và chế xuất mẫu tại Đà Lạt, Mộc Châu, Hòa Bình và Bắc Giang với tổng diện tích 300 ha... Bên cạnh đó, T.Vita triển khai Chương trình Phát triển Vùng nguyên liệu liên kết bền vững, tập trung vào đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích sản xuất năm 2018 dự kiến đạt 1000 ha và 500 hộ sản xuất liên kết, 2019 là 1.000 hộ.

Dưới sự chuyển giao công nghệ của các đối tác từ Hà Lan và Israel tất cả các khâu từ lựa chọn bộ giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến… đều được thực hiện theo quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực. Dự kiến các sản phẩm đầu tiên của T.Vita sẽ ra mắt vào cuối Quý I/2018.

Dòng tiền đang cuồn cuộn chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên đầu năm mới -  với nhiều phiên đã đạt mức giá trị 10 ngàn tỷ đồng. Trong phiên giao dịch 22/1/2018 cho dù sự cố xảy ra, TTCK vẫn chứng kiến tổng giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục, khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Số lượng lệnh đã được đặt nhưng không được thực hiện do sự cố chưa được thống kê.  Các giao dịch thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Theo thông kê, giao dịch ở các phiên ATC chiếm khoảng 12-15% tổng giao dịch trong 1 phiên. Có lúc lên tới 40%/tổng giá trị phiên. Nếu phiên 22/1 cũng đạt mức tương tự thì giá trị giao dịch đang kẹt có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang.

TTCK đang ở vào thời điểm sôi động chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số VN-Index trong phiên 22/1 đang ở mức cao kỷ lục 10 năm mới. Dòng tiền nội ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường.

Theo kế hoạch, trong vài phiên tới TTCK sẽ chứng kiến 2 thương vụ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng rất lớn của PVOIL hôm 25/1 và PV Power hôm 31/1. Theo kế hoạch, IPO của PVOIL diễn ra tại HOSE còn IPO của PV Power diễn ra tại HNX.

Các cơ quan quản lý chưa có thông báo gì về các sự kiện tới. Tuy nhiên, mọi giao dịch trên HNX có thể vẫn diễn ra bình thường bởi sàn chứng khoán này không bị ảnh hưởng bởi sự cố nêu trên.

Theo HOSE, trong phiên IPO PV Oil, đã có gần 3.200 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 483 triệu cổ phần PV Oik, gấp 2,33 lần chào bán. Trong đó, tổ chức nước ngoài đăng ký mua hơn 150 triệu đơn vị. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như PTT của Thái Lan và Shell muốn mua 49% cổ phần của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/1, VN-index tăng 25,35 điểm lên 1.087,42 điểm; HNX-Index tăng 1,49 điểm lên 123,88 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 58,17 điểm. Thanh khoản đạt 360 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9,9 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh