THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:23

Vườn Quốc gia Ba Vì: Từ phế tích trở thành di tích có giá trị văn hóa lịch sử

Hãy đánh thức "một thị trấn đang ngủ quên" trên núi Ba Vì

Lần đầu tiên một cuộc hội thảo công bố những di sản về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp từ thế kỷ trước đã dày công xây dựng tại độ cao 400m, 600m và 1000 trên núi Ba Vì. Nơi đây không chỉ mang trong mình những giá trị tài nguyên rừng sẵn có, vị trí địa lý và điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi, thảm thực vật đa dạng và phong phú, nó còn chứa đựng cả một đời sống văn hóa, lịch sử, giá trị tâm linh… Sự tồn tại của thị trấn đó được minh chứng bởi hàng trăm nền phế tích vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong hoang phế nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì.

Họa sĩ Trịnh Lữ mang đến tọa đàm những hồi ức đầy sống động với câu chuyện từ những tư liệu gốc lưu trữ trong gia đình ông. Đó là ký ức từ những năm 1944 - 1948  khi  gia đình ông sống trên đỉnh núi Ba Vì, một cuộc sống mà cha ông - cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc gọi là "cuộc sống Suối Hoa" và chuyện ông tìm thấy và trở lại "Nhà Ba Vì" từ năm 2009 đến nay.

Vườn Quốc gia Ba Vì: Từ phế tích trở thành di tích có giá trị văn hóa lịch sử - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm

Nhà Ba Vì do họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xây dựng, mới đầu là một nhà lá chừng 50m nền để ở tạm, sau là nhà xây 200m bằng bê tông, gạch đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường. Năm 1944, ông Ngọc đưa vợ con lên Nhà Ba Vì với mong muốn trở thành gia đình bản địa như người Mường, người Dao ở đó. Gia đình ông nuôi bò, gà, trồng rau, thắp đèn măng xông, dùng ngựa thồ chuyên chở nhu yếu phẩm…Năm 1948, tình hình chiến sự khiến ông buộc phải đưa vợ con trở lại Hà Nội và cuộc sống Suối Hoa mà ông gây dựng chìm vào ký ức.

"Tôi bắt đầu tìm dấu vết Nhà Ba Vì từ năm 2007 và đến năm 2009, từ lòng một con suối cạn bước lên quãng rừng thưa, chúng tôi thấy trong sương mù một góc tường đá rễ cây bao bọc sừng sững ngay trước mắt. Linh tính cho tôi biết mình đã tìm được Nhà Ba Vì… Ký ức lại  sống dậy kể từ ngày chúng tôi tìm thấy phế tích ngôi nhà trên đỉnh núi. Từ 2009 tới nay, chúng tôi đã rủ nhau về Nhà Ba Vì hàng năm. Với chúng tôi, Nhà Ba Vì đã từ phế tích trở thành di tích có giá trị văn hóa và lịch sử, kết nối gia đình qua nhiều thế hệ…", họa sĩ Trịnh Lữ xúc động kể lại.

Cách làm thiết thực để quá khứ không chỉ nằm trên giấy

Vườn Quốc gia Ba Vì: Từ phế tích trở thành di tích có giá trị văn hóa lịch sử - Ảnh 2.

Triển lãm về các hồ sơ, bản vẽ quy hoạch, kiến trúc... người Pháp đã xây dựng tại núi Ba Vì thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Tọa đàm

Theo Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc phát huy, khai thác và làm thức tỉnh những phế tích trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ cộng đồng được thăm quan, sống cùng một thời kỳ lịch sử là hướng đi cần thiết. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp đề xuất khai thác để làm sống dậy các nền phế tích kết hợp với thảm thực vật trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ du khách trên quan điểm: Khai thác hợp lý chính là chủ động bảo vệ và làm tăng giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Ba Vì theo hướng bền vững. Mức độ can thiệp phải được cân nhắc cẩn thận và không tác động tiêu cực đối với từng phế tích kiến trúc cảnh quan và tài nguyên Vườn Quốc gia Ba Vì. Từ đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất các nguyên tắc khai thác theo hướng: Phục vụ chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.

Ủng hộ quan điểm "bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn", nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới giải quyết bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp hiện nay.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh