THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:14

Vườn quê mùa trái chín

Chính dòng sông ấy đã đem tới nguồn nước, sự màu mỡ của phù sa để tạo nên những làng quê trù phú với cây trái tốt tươi quanh năm. Gia đình tôi là một trong số hàng ngàn hộ dân từ bao đời nay đã lập nghiệp trên mảnh đất này. Nhà nào cũng có một vuông đất rộng rãi tới cả mấy sào, đủ để dựng nhà cửa, lát khoảng sân lớn và còn đâu đó diện tích là làm vườn, trồng cây ăn trái.

Gia đình tôi cũng vậy, một ngôi nhà mái ngói nhỏ nhoi xinh xắn nằm nép mình dưới tán của biết bao nhiêu là cây trái luôn sum suê, với mùa nào thức nấy. Cây trái trong vườn nhà tôi đều thuộc dạng cổ thụ với tuổi đời cả trăm năm, bởi hầu hết số cây ấy được trồng từ thời ông nội tôi, rồi cả một số cây còn được trồng từ trước khi ông nội tôi ra đời, nghĩa là nó được cụ nội tôi trồng nên. Trong vườn có vô số các loại cây ăn trái, từ các loại cây lâu niên như: Mít, nhãn, vải, hồng xiêm, bưởi, khế, lê-ki-ma..., cho tới các loại cây ngắn hạn như: Ổi, chuối, đu đủ... đều đủ cả. Hầu như thì quanh năm, lúc nào trong khu vườn nhà tôi cũng có các loại quả chín, nhưng nhiều hơn cả, được xem là chín rộ nhiều loài trái cây một thời điểm, đó phải là mùa hè. Mùa hè, với cái nắng oi nồng, có bao nhiêu là thứ trái cây đồng loạt bước vào mùa cho thu hái. Những cây nhãn lồng, cây vải thiều là cho thu sớm hơn cả khi chỉ mới qua chớm hè một thời gian ngắn là mùi nhãn, vải chín bói đã thoang thoảng bay qua khung cửa sổ vào nhà.

Đêm nằm ngủ, chợt thức giấc mẹ tôi thường vẫn bảo với bố: "Mùi nhãn, vải thơm thế này thì chỉ độ non tuần nữa là phải bẻ mang bán chứ không thì chim, dơi ăn hết mất"! Mẹ lo là đúng vì ngoài một ít ruộng đất ra thì cả 6 miệng ăn trong gia đình tôi đều trông vào mấy cây trong vườn. Những hôm kế tiếp, bao giờ mẹ cũng kêu bố và mấy anh chị em chúng tôi làm phướn, hình nộm với tờ giấy đuôi nheo treo lên các cành vải, cành nhãn để đuổi dơi, chim. Việc làm hình nộm như vậy cũng chỉ đỡ việc chim ăn trái phần nào thôi, chứ đêm đêm các loài chim, nhất là lũ dơi ranh mãnh vẫn mò tới ăn cơ man là trái. Mỗi buổi sáng của thời điểm nhãn, vải vào lúc chín, khi ngủ dậy mấy anh chị em chúng tôi thường đứng quanh dưới gốc nhặt nhạnh những trái mà chim, dơi mổ rụng xuống khi chúng chưa kịp ăn. Loài dơi, chim quả là tinh khôn, khi những trái nhãn, vải bị rụng xuống ấy đều chín mọng, thơm ngon. Có những hôm, chỉ cần ăn lại nhãn, vải của lũ dơi, chim ấy thôi cũng đủ no, chán. Vì sợ chim, dơi ăn nhiều, có những năm mẹ kêu thương lái tới bán vải, nhãn sớm để đỡ thất thu...

Khi những cây nhãn, vải vừa được thu hoạch xong thì cũng là lúc gần chục cây mít mật, mít dai ở xung quanh bờ ao nhà tôi cũng vào mùa trái chín. Hầu như hôm nào cũng có mít chín, hôm thì một trái, có hôm nhiều tới cả gần chục trái. Chiều nào không tự tay mẹ vỗ mít thì mẹ lại sai anh em chúng tôi ra vỗ mít xem có trái nào chín để sớm mai mẹ mang sang chợ làng bán lấy tiền. Tôi có kinh nghiệm vỗ mít lắm, khi chỉ cần dùng bàn tay vỗ vào thân trái, nghe tiếng kêu bồm bộp, thay vì bình bịch là coi như trái đó đã chín. Dẫu trái đó chưa tỏa nhiều mùi thơm, nhưng chỉ cần cắt cuống, bỏ xuống là hôm sau đã bổ ăn được ngay. Mít là loài cây lâu năm trồng rất hiệu quả về kinh tế, khi một cây có thể cho tới cả mấy chục trái, thậm chí trăm trái mỗi năm. Chỉ gần chục cây mít ấy thôi mà mỗi vụ thu hoặc số tiền mẹ thu được qua bán trái cũng đủ mua được cả tấn lúa, số gạo đủ để cho cả nhà ăn trong một năm dài.

Mít là loại trái tôi cực thích bởi mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt ngào khó quên. Biết mấy đứa con thích ăn mít nên bố mẹ tôi bao giờ cũng để các con ăn thỏa thích mỗi khi cây có trái chín. Thế nhưng, dẫu có thèm, có háu ăn đến mấy thì cũng chỉ ở thời khắc đầu mùa thôi, chứ vào giữa mùa mít rồi, do ăn nhiều đến chán ngán nên có khi cả tuần trời mà mấy anh chị em chúng tôi không đòi bố mẹ bổ mít ăn. Những mùa mít chín của suốt những năm tháng ấu thơ cũng khiến tôi luyến lưu nhiều hoài niệm. Đó là món hạt mít rang, luộc thường không thể thiếu trong ngăn cặp sách những buổi tới trường để cả lũ chúng bạn cùng ăn sau giờ ra chơi giữa buổi. Hay món sơ mít muối chua om với cá đồng mà mẹ thi thoảng chế biến, sao nó ngon, ngọt, thơm đến thế mà tới tận bây giờ tôi vẫn không thể quên..., vẫn ao ước được trở về tuổi thơ để được ăn món canh chua sơ mít mẹ nấu.

Mùa hè chói chang còn là mùa của na, ổi, hồng xiêm, chuối và hàng đu đủ trĩu quả. Những thứ trái này dưới nắng vàng một thời gian là đồng loạt chín để rồi theo mẹ tôi xuất hiện đều đặn ở phiên chợ làng mỗi sớm mai. Đã có không biết bao nhiêu lần tôi được theo mẹ đi chợ bán trái cây, và nhiệm vụ chính của tôi là đứng canh chừng khách lựa trái cây, và cũng có khi giúp mẹ nhận tiền của khách. Lần nào bán xong trái cây, lúc trở về mẹ cũng mua cho bao nhiêu thứ quả, nào bỏng nắm, kẹo bột, kẹo vừng, oản đường...

Tôi yêu khu vườn nơi quê nhà bởi những mùa trái ngọt chín thơm, bởi chính những trái cây hun đúc vị ngọt thơm từ lòng đất ấy đã mang lại sự sống cho gia đình tôi, để tôi, anh, chị có tiền ăn học. Tôi biết ơn mảnh vườn và những cây trái, chẳng vậy mà mỗi khi hè tới là tôi thường nôn nao nhớ về quê, nơi có mảnh vườn rộng lớn với vô vàn cây trái đang vào mùa quả chín. Những lúc như vậy tôi chỉ ước ao được thỏa thê đứng giữa khu vườn để muốn ăn loại trái cây chín nào tùy thích...

NGUYỄN VIỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh