Vùng Tây Sơn Thượng đạo đưa cây trái dại vào phát triển du lịch
- Văn hóa - Giải trí
- 21:18 - 21/07/2019
Cây dâu da cổ thụ
Biến cây rừng thành đặc sản
Thị xã An Khê được xem là một trong những vùng trồng nhiều dâu da của cả nước. Loại cây này trước đây mọc trong rừng, ra hoa kết trái hàng năm, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, trong điều kiện trồng quản canh, năng suất bình quân là từ 30 kg - 50 kg/cây/năm đối với cây từ 5 tuổi trở lên. Quả cây dâu da được nhiều người ưa thích, nhất là người trẻ và phụ nữ. Giá của loại quả này dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg nên nó được xem là loại nông sản mang lại lợi ích kinh tế cao. Do đó, một số người ở xã Cửu An đã bứng cây mọc trong rừng về trồng trong vườn để phát triển kinh tế.
Theo người dân, việc chăm sóc cây cũng khá đơn giản, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đây là loại quả sạch. Chính vì thấy được giá trị của loại cây này nên xã Cửu An muốn phát triển loại đó thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với phát triển du lịch địa phương. Mô hình “Khôi phục và phát triển cây dâu da bản địa" được thực hiện tại thôn An Điền Bắc và thôn An Bình nhằm phát triển trồng mới, tăng diện tích cây dâu da lên thành 3,5 ha cho 25 hộ tham gia với tổng kinh phí là hơn 326 triệu đồng.
Theo ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND xã Cửu An, đến năm 2018, diện tích trồng cây dâu da trên địa bàn là 1 ha và một số hộ trồng rải rác trong vườn nhà. Qua khảo sát thì thấy, quả dâu da của địa phương có vị ngọt dịu, ăn rất ngon. Một số hộ dân đã thử trồng phân tán loại cây này trong vườn rừng, vườn nhà và đều cho kết quả khả quan song vẫn còn mang tính tự phát. Cho nên, để thuần hóa và phát triển cây dâu da một cách bền vững thì cần phải có biện pháp kỹ thuật nhân giống chọn lọc, trồng, chăm sóc, bảo quản… Hơn nữa, với tiềm năng lớn về diện tích đất đồi núi, nếu áp dụng phương pháp trồng thâm canh, quản lý tốt, kết hợp du lịch sinh thái là một hướng đi phù hợp xu thế. Bên cạnh đó, cây dâu da cũng được biết đến với nhiều giá trị khác như hạt và lá có tác dụng chữa bệnh, trái có thể chế biến rượu cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Dự kiến đến năm 2020, mô hình sẽ sản xuất ra 6,8 tấn quả, phục cho người tiêu dùng, cho phát triển về dịch vụ du lịch sinh thái của địa phương mỗi khi vào mùa dâu chín.
Tương tự, hiện UBND xã Song An đã xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển cây sim bản địa phục vụ phát triển kinh tế” với tổng mức đầu tư là gần 335 triệu đồng, với diện tích 2.000 m2 tại khu vực đầu đèo An Khê. Hiện nhà chức trách đang tiến hành lựa chọn những hộ có kinh nghiệm để tiến hành triển khai dự án. Theo ông Đỗ Hữu Sơn-phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song An, hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm từ cây tự nhiên đang được chú trọng, trong đó có những sản phẩm từ cây sim. Cây sim có thể chế biến thành trà, rượu, thuốc chữa bệnh, kèm theo phát triển du lịch sinh thái, mang lại thu nhập cao cho nông dân... “Với điều kiện ngoại cảnh phù hợp, giao thông thuận lợi thì vấn đề khôi phục cây sim bản địa dễ thực hiện ở các vùng đồi núi của địa phương. Nếu việc trồng thành công, quản lý chế biến sản phẩm tốt và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm thì việc kết hợp với du lịch sinh thái là một trong những hướng đi phù hợp của địa phương", ông Sơn nói.
Những cây sim mọc ở vùng an khê
Kết hợp phát triển du lịch
Hàng năm, cứ vào tháng 8, tháng 9 hàng Âm lịch, khi những cây dâu da trĩu trịt quả, đồng loạt chín đỏ mọng, hàng ngàn du khách lại đổ về thôn An Điền Bắc để tham quan, thưỡng lãm. Một trong những hộ tham gia mô hình là bà Nguyễn Thị Trang (thôn An Điền Bắc) cho biết, trước đây, mỗi khi đến mùa dâu da thì gia đình chỉ bán cho thương lái với giá từ 12.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Từ năm 2017 đến nay, mỗi khi vào mùa dâu thì du khách khắp nơi đổ về tham quan, chụp hình và mua trái ngay tại vườn. "Vụ vừa rồi, vườn nhà tôi bán với giá 20.000/kg, chỉ có 10 cây thôi mà đã thu được hơn 20 triệu đồng. Hiện, gia đình đã chuẩn bị đất để tiếp tục nhân rộng thêm", bà Trang phấn khởi nói.
Về phía cây sim, ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch UBND xã Song An, cho biết, trên địa bàn có các điểm du lịch văn hóa, tâm linh như miếu Xà, gò Kho, xóm Ké, hòn ông Bình, hòn ông Nhạc, chùa Quan Âm; khu vực rừng thông đầu đèo An Khê, hồ Hòn Cỏ là những điểm du lịch lâu nay thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Dựa vào những lợi thế sẵn có này, việc khôi phục đồi sim có thể tạo thêm sản phẩm du lịch cho du khách lựa chọn. “Khi đồi sim được khôi phục và phát triển sẽ là điểm nhấn kết nối các điểm du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử trên địa bàn, tạo thành sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước”, ông An nói.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Mỹ - Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê, tiềm năng phát triển nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển đa dạng các loại hình du lịch đang được thị xã quan tâm, chú trọng. Thời gian tới, thị xã sẽ đẩy mạnh việc liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành du lịch, giữa doanh nghiệp lữ hành với trang trại, nông dân… trong phát triển du lịch nông nghiệp. Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần gìn giữ được nguồn giống cây ăn trái bản địa. Bên cạnh đó, cần phải chọn lọc và đầu tư bài bản, xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng có tính khác biệt, điểm nhấn của từng địa phương.
LÊ NHUẬN