CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:17

Vựa hoa Quảng Ngãi “trầm mình” trong lũ

Nhiều người dân đành đứng nhìn hoa ngập trong nước vì không thể di chuyển kịp

Từ lâu, hai xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa) được biết đến là vựa hoa Tết lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, vựa hoa này cung ứng cho thị trường Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng… hàng trăm nghìn chậu hoa Tết.

Mưa lớn nhiều ngày qua kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Hiện mực nước các con sông lớn trong tỉnh đều đang dao động trên mức báo động 2, báo động 3. Trong khi đó, do nằm ở sát bờ sông Vệ nên hiện tại vựa hoa tết lớn nhất tỉnh này đang phải gồng mình chống chọi với lũ, khi nước sông dâng cao gây ngập nhiều diện tích trồng hoa của người dân.

Ghi nhận vào chiều tối 1/12, tại một số vùng thấp trũng, rất nhiều khu đất trồng hoa từ 200 chậu đến 500 chậu của người dân đã bị nước ngập, có nơi nước chỉ ngập phần chậu, nhưng cũng có nơi nước đã ngập gần hết cả thân cây. Hiện tại, có rất ít chủ hoa huy động được người để di chuyển số hoa bị ngập lên cao nhằm tránh thiệt hại, còn rất nhiều người khác đành phải “bó tay”vì không thể tìm ra người.

Chỉ một số ít người cứu được hoa

 

Vất vả di chuyển hoa ra khỏi vùng ngập lũ

Ngâm trong nước lâu, hoa sẽ bị rụng lá và chết

Nhiều diện tích đất trồng hoa đã ngập quá sâu, người dân đành bỏ mặc


Từ tờ mờ sáng, hai vợ chồng ông Đặng Văn Hạnh, ở đội 4, thôn Hải Môn (Nghĩa Hiệp), đã bắt tay vào việc di chuyển hơn 200 chậu hoa cúc từ vườn trước nhà lên gò đất cao hơn, nhưng đến tận tối mịt, công việc vẫn chỉ mới xong một nửa, số hoa còn lại đang “trầm mình” trong nước. Đưa tay sửa lại mũ áo mưa trên đầu, ông Hạnh buồn rầu nói: “Hai người làm không nghỉ mà cũng không kịp, nước giờ ngập hết rồi. Chắc số kia giờ phải bỏ thôi, chứ hai vợ chồng già làm không nổi nữa".

Cách không xa nhà ông Hạnh là nhà bà Lê Thị Anh Thu, năm nay nhà bà Thu xuống giống 500 chậu cúc, tới thời điểm này cây đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Mặc dù đang dầm mình trong nước lũ, nhưng bà Thu lại như đang ngồi trên đống lửa khi nước đã lên tới thành chậu mà chưa tìm ra người chuyển hoa lên cao. “Con tôi đi làm ăn xa chưa về kịp, mà giờ cũng không biết nhờ ai vì ở đây nhà nào cũng trồng hoa, bây giờ họ đều lo cho hoa của nhà mình hết. Thôi thì đành bỏ mặc, nếu trời thương thì may, còn không cũng đành chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”, bà Thu buồn rầu nói.

Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, hiện toàn xã Nghĩa Hiệp có hơn 400 hộ trồng hoa Tết, trên diện tích khoảng 20ha. Đây là sinh kế đã có từ rất lâu đời và người dân địa phương cũng dựa chủ yếu vào nguồn thu này.

Nằm đối điện bên kia quốc lộ với Nghĩa Hiệp, tình cảnh của làng hoa Nghĩa Mỹ cũng không khá hơn là mấy khi cũng nằm sát bờ sông Vệ. Nước lên nhanh, cộng với việc một số lượng lớn hoa trong chậu ximăng rất nặng nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức nên nhiều diện tích người dân không cứu được, đành bỏ mặc ngoài đồng.

Được xem là may mắn khi huy động được một nhóm thanh niên trong xóm giúp sức di chuyển xong 300 chậu hoa cúc từ ruộng lên mặt đường, chị Dương Thị Trí, ở thôn Bách Mỹ cho biết: “May mà có mấy anh em, không thì cũng đành đứng nhìn hoa ngập thôi”.

Theo chị Trí, hoa cúc bị ngập nước thì không chết liền. Nhưng sau đó hoa sẽ bị “chạy lá chân”, tức là lá từ phần gốc đến giữa thân sẽ bị rụng và khi ra hoa cũng không được to và đẹp, những chậu này chỉ bỏ đi chứ không bán được. Còn ngập lâu hơn thì hoa sẽ vàng lá và chết.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tư Nghĩa, trong hai ngày qua, đã có gần 100.000 chậu hoa cúc của người dân bị ngập gây thiệt hại. Đây là thiệt hại đáng kể với người trồng hoa, đồng thời lượng hoa cúc cung ứng cho thị trường Tết năm nay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh