CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Vụ Ngô Hoàng Anh 'Forbes U30' bị tố quấy rối tình dục: Hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có hành vi làm tổn thương người khác

Ngô Hoàng Anh, người được Forbes Việt Nam vinh danh tại hạng mục Under 30 bị tố quấy rối tình dục (Ảnh chụp màn hình).

Ngô Hoàng Anh, người được Forbes Việt Nam vinh danh tại hạng mục Under 30 bị tố quấy rối tình dục (Ảnh chụp màn hình).

Trước thông tin Ngô Hoàng Anh "Forbes U30" bị tố quấy rối tình dục (QRTD), PV Báo LĐ&XH đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH). Bà chia sẻ: “Mặc dù rất đáng tiếc nhưng tôi cho rằng đây là bài học đắt giá cho Ngô Hoàng Anh vì những gì bạn ấy đã làm và cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bạn trẻ cần thật sự cân nhắc trước khi có các hành vi làm tổn thương đến người khác”.

Định kiến giới làm “bình thường hóa” các hành vi QRTD

Thưa bà, nạn nhân của vụ việc phần lớn là người trẻ, thậm chí có nhiều học sinh. Nhưng các em đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ gia đình, nhà trường. Chỉ đến khi ra nước ngoài du học, các em mới tự lập nhóm tố cáo, nhưng vụ việc cũng không được xử lý rốt ráo. Chỉ mới đây, khi Hoàng Anh được vinh danh, câu chuyện mới được xới xáo lại. Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, phải chăng xã hội Việt Nam vẫn chưa quan tâm và đấu tranh quyết liệt với các hành vi QRTD?

Đa phần các vụ việc QRTD đang xảy ra với phái nữ nhiều hơn so với nam giới. Xã hội vẫn nhìn nhận việc em gái/phụ nữ bị nam giới đụng chạm, trêu ghẹo là chuyện khá bình thường. Dân gian ta hay có câu cửa miệng “làm hoa cho người ta hái, làm con gái cho người ta trêu”. Điều này thể hiện rất rõ định kiến giới đang còn tồn tại khá phổ biến trong xã hội của chúng ta và do đó, nó là nguyên nhân dẫn đến việc “bình thường hoá” việc nam giới có hành vi bạo lực hay QRTD phụ nữ.

Bất bình đẳng giới dẫn đến tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đã không có ít trường hợp khi tố giác người có hành vi QRTD mình sau đó nạn nhân đã bị tổn thương sâu sắc hơn khi tiếp tục nhận được sự công kích, “đổ lỗi” từ phía công luận kiểu như “phải như thế nào mới bị như thế chứ?” hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này làm cho nạn nhân thường lo sợ, không dám lên tiếng và âm thầm chịu đựng. Và như vậy, vụ việc sẽ không được đưa ra ánh sáng, người có hành vi sai trái không bị xử lý và tiếp tục làm điều đó với những người khác.

Tuy nhiên, qua theo dõi vụ việc này, tôi cũng đã thấy có những điểm tích cực. Một số bạn gái đã từng bị Ngô Hoàng Anh QRTD đã mạnh dạn lên tiếng mặc dù phải chịu sự công kích không nhỏ từ dư luận xã hội; 1 bạn nam trong số những gương mặt trẻ tiêu biểu được vinh danh cùng Ngô Hoàng Anh (hoạ sỹ truyện tranh Đặng Quang Dũng) cũng bày tỏ quan điểm mạnh mẽ rằng: Không đồng ý với hành động và lời nói mang tính quấy rối tình dục (QRTD) của người được cho là N.H.A; không im lặng, thờ ơ và trở thành một phần của văn hóa dung túng QRTD; không muốn có bất kì mối quan hệ nào với người có hành vi QRTD.

Tôi tin rằng mặc dù có thể còn sự chậm trễ nào đó trong phản ứng, trong xử lý các vụ việc liên quan tới QRTD nhưng với sự can đảm lên tiếng của nạn nhân, sự nhận thức đúng đắn của cộng đồng, đặc biệt trong đó có nhiều bạn trẻ về vấn đề này sẽ góp phần lan toả mạnh mẽ hơn các thông điệp kêu gọi đấu tranh xoá bỏ bạo lực, QRTD với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc xác minh, bảo vệ nạn nhân và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi QRTD, tạo dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Các nạn nhân chia sẻ, các em gặp những khủng hoảng tâm lý, lo sợ... Theo bà, các hành vi QRTD gây ra những hậu quả gì? Khi cần, các em có thể tìm đến ai để được chia sẻ, hỗ trợ?

Việc các em bị QRTD rồi không dám chia sẻ với ai, âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ bị thị phi, kỳ thị và bị ám ảnh trong thời gian dài; hoặc khi nói ra việc mình bị QRTD lại tiếp tục phải chịu sự công kích, “đổ lỗi” từ cộng đồng (chúng ta gọi là bạo lực thứ cấp/bạo lực lần thứ 2) sẽ rất dễ làm cho các em rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, stress và có thể dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực trong cuộc sống sau này.

Ở các nước có điều kiện phát triển tốt, những người bị bạo hành, QRTD, xâm hại tình dục thường sẽ có sự hỗ trợ điều trị tâm lý từ bác sỹ, chuyên gia tâm lý trong một thời gian dài, giúp nạn nhân nói ra được những điều không dễ dàng chia sẻ với người khác, giải toả tâm lý và tìm được các cách thức phù hợp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, ổn định cuộc sống. Ở Việt Nam, dịch vụ tư vấn tâm lý nói chung hay tư vấn tâm lý cho những người bị bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục còn chưa phổ biến, chưa sẵn có. Tuy nhiên, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là nơi các em có thể tin tưởng liên hệ để được tư vấn một cách thuận lợi, dễ dàng nhưng cũng đảm bảo tính riêng tư, bí mật, an toàn.

Bà Trần Thị Bích Loan (bìa phải) Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới trong một cuộc trò chuyện về chấm dứt QRTD.

Bà Trần Thị Bích Loan (bìa phải) Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới trong một cuộc trò chuyện về chấm dứt QRTD.

Giáo dục giới tính cần sớm được giảng dạy chính thức ở các cấp học

Nhiều trẻ em mong muốn được cung cấp kiến thức và kĩ năng cụ thể, thực tế hơn để phòng chống QRTD, bà đánh giá như thế nào về các chương trình giáo dục giới tính cho trẻ em hiện nay?

Tôi đồng ý với ý kiến này của các em. Ngoài việc trang bị các kiến thức về giới tính, sức khoẻ sinh sản thì cũng cần trang bị cả các kiến thức, kỹ năng để phòng tránh QRTD ở các không gian khác nhau như trường học, nơi làm việc hay nơi công cộng. Các em cần được trang bị các kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra để biết cách “thoát hiểm an toàn”.

Nội dung giáo dục về giới tính trong nhà trường hiện nay mới cung cấp các kiến thức rất cơ bản thông qua môn sinh học. Thầy cô thường chỉ giảng dạy ở mức độ vừa phải, “bám” giáo trình mà ít có sự trao đổi, tương tác giữa thầy cô và học sinh một cách cởi mở về chủ đề này theo đúng nghĩa khoa học và giáo dục. Về phía học sinh, đa phần các em tỏ ra ngại ngùng, không thoải mái khi đề cập trực tiếp tới chủ đề này, trong khi thực tế có thể các em đã tiếp xúc với các thông tin, hình ảnh từ sách báo, mạng xã hội... Do vậy, các luồng thông tin chính thức, cần trao đổi cởi mở dường như đang bị “đóng khung”, trong khi các luồng thông tin khác không được kiểm chứng, không đảm bảo tính an toàn thì lại thu hút sự tò mò của các em.

Trước thực trạng này, cần có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa bà?

Trước tình hình thực tiễn cuộc sống hiện nay, giáo dục về giới tính cần sớm được đưa giảng dạy chính thức ở các cấp bậc học, nên bắt đầu ngay từ khi các em còn nhỏ với lượng kiến thức phù hợp, giúp các em nhận biết được các mối nguy cơ và cách phòng tránh từ môi trường sống xung quanh mình, biết cách bảo vệ mình một cách tốt nhất.

Trong thời gian qua, thông qua việc triển khai các chương trình, đề án, dự án về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Bộ LĐTBXH và một số cơ quan, tổ chức đã triển khai thí điểm mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và không bạo lực”, trong đó bao gồm việc triển khai Phòng tham vấn học đường nhằm giúp học sinh không phải một mình đối mặt với các vấn đề khó khăn trong trường học. Một số trường học đã có cách làm sáng tạo để thu hút học sinh tới tham vấn, giúp thầy cô, cha mẹ kịp thời nắm bắt thông tin và giúp các em xử lý vấn đề một cách tốt nhất. Chủ trương về việc thành lập “Phòng tham vấn học đường” đã có, chúng tôi mong rằng chủ trương đúng đắn này sẽ sớm đi vào cuộc sống. Tất cả các em học sinh, sinh viên sẽ sớm được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp tâm lý, xã hội chất lượng trong trường học bất cứ lúc nào các em cần, để mỗi em được lớn lên an toàn về thể chất và tinh thần và tự tin lên tiếng để nhận được sự trợ giúp từ người lớn và cơ quan có trách nhiệm.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thảo Vân (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh