THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:32

Vụ ngao chết ở xã Hải Lộc (Thanh Hóa): Đề xuất lên tỉnh xin hỗ trợ cho dân

Lao đao vì ngao chết

Trước đó, theo phản ánh của nhiều hộ dân nuôi ngao xã Hải Lộc cho biết sau đợt lũ lụt lịch sử do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kéo dài từ 9-12/10 đã khiến cho nhiều diện tích ngao nuôi của người dân ở xã này chết trắng bãi nuôi. Ngao nuôi chết hàng loạt do bị ngâm trong bùn phù sa từ phía thượng nguồn đổ về trong đợt lũ lụt, tuy nhiên việc ngao chết hàng loạt không được đưa vào báo cáo của UBND xã Hải Lộc về tình hình thiệt hại do lụt bão gây ra.

 

Có mặt tại đồng ngao gia đình anh Phạm Văn Ba, trú tại thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, một trong những chủ đồng ngao lớn nhất của xã Hải Lộc, anh Ba cho biết: “Cả diện tích thuê, mượn bên ngoài gia đình tôi có khoảng hơn 12ha bãi nuôi ngao, ngày 19/10 thì phát hiện tình trạng ngao chết, lượng bùn phủ ngao ít nhất từ 10-15cm, cao nhất khoảng 40cm, thời điểm ngao chết nhiều, mỗi ngày gia đình thuê hàng chục nhân công vớt khoảng 50-60 bao vỏ ngao. Hiện tại, gia đình đang phải tích cực dọn dẹp lại đồng ngao, thu gom ngao chết, vệ sinh đồng bãi để tiến hành nuôi thả lứa ngao mới...”.

Cũng bị thiệt hại nặng do ngao chết, anh Nguyễn Văn Bằng (SN 1978) ở thôn Tân Lộc cho biết, gia đình anh nuôi gần 2ha ngao, tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đợt vừa rồi gia đình anh đã thu gom gần 300 bì vỏ ngao chết, mỗi bì khoảng 60-70kg vỏ. Mỗi ngày gia đình anh thuê khoảng 10 người thu gom vỏ, theo dự tính của anh, khoảng hơn 10 ngày nữa cả máy thổi bùn và người thu gom vỏ, đồng ngao của anh mới được dọn sạch. “Ngao chết trắng bãi khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần bởi nguồn thu chính từ ngao. Sắp tới muốn đầu tư nuôi tiếp lại phải đi vay mượn, trong khi đó, nợ cũ ngân hàng gia đình tôi cũng chưa biết lấy nguồn nào để trả, ” – anh Bằng cho biết.

Ngao chết gây thiệt hại lớn cho người dân

 

Cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, bùn phủ quá dày, ngao chết nhưng chẳng còn tiền để cải tạo, đầu tư, đến hiện tại gia đình anh Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Y Bích vẫn để hoang đồng nuôi, không cải tạo…

Sẽ báo cáo lên tỉnh xin phương án hỗ trợ

Ngày 31/10, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của 58 hộ dân xã Hải Lộc, ngay trong đêm, huyện Hậu Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra các diện tích ngao nuôi của người dân xã Hải Lộc.

Người dân xã Hải Lộc thu gom vỏ ngao chết

 

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc cho biết: “Trong đêm 31/10 đến rạng sáng 1/11 đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hậu Lộc, xã Hải Lộc đã về tiến hành kiểm tra ngao nuôi tại vùng triều, do nước sinh (mực nước thủy triều cao) nên đoàn chỉ tiến hành khảo sát được ở những vùng nước rút phía Nam, không đến được những hộ sát mép sông cửa lạch là những hộ bị ngập bùn nặng. Kết quả tại các vị trí kiểm tra, mật độ nuôi thả ngao cao, tỷ lệ ngao sống vẫn còn cao, tỷ lệ ngao chết thấp so với hướng dẫn của Sở NN&PTNT…”.

Không đồng tình với kết quả khảo sát trên, các hộ nuôi ngao xã Hải Lộc tiếp tục kiến nghị. Đến ngày 8/11, xã Hải Lộc đã tiến hành lập hai đoàn khảo sát kiểm tra 35 hộ dân vùng bãi triều mép sông cửa lạch, kết quả ban đầu có 15 hộ ngao chết từ 70-90%, các hộ còn lại tỷ lệ ngao còn không đáng kể.

Nhiều hộ dân cho biết, nguyên nhân ngao chết cao là do bùn phù xa lắng đọng từ phía thượng nguồn đổ về phủ kín đồng ngao, tuy nhiên điều khiến nhiều hộ dân bức xúc là việc ngao chết, chòi canh bị hư hỏng không được đưa vào trong báo cáo thiệt hại lụt bão của xã Hải Lộc.

Vỏ ngao chết chất đống cạnh bãi nuôi ngao

 

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ấp – Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho biết: Việc kê khai thiệt hại sau lụt bão huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo đồng bộ xuống các xã, đến ngày 30/10 các xã phải có báo cáo thiệt hại về huyện, đến ngày 5/11 huyện phải có báo cáo về tỉnh. Tuy nhiên xã Hải Lộc không có báo cáo về tình hình ngao chết. Sau khi tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3994/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 về việc ban hành chi tiết mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì 58 hộ dân mới có đơn kiến nghị về tình hình ngao chết. Việc các hộ dân nuôi ngao bị chết thời điểm từ 30/10 trở về trước mà xã không có báo cáo, nuôi không đảm bảo theo đúng quy trình, quy định thì không được hỗ trợ. Với các điện tích ngao nuôi tiếp tục chết hàng loạt từ 2/11 đến nay nó có nằm trong thời điểm khắc phục lũ lụt hay không, có do bùn lắng hay không, nhà nước có hỗ trợ hay không, tới đây huyện sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo lên tỉnh xin phương án hỗ trợ cho người dân. Còn việc tỉnh có đồng ý, có áp dụng phương án hỗ trợ nào hay không, quyết định vẫn là do tỉnh…” – ông Ấp nói.

Còn ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết thêm: “Xã nào không có báo cáo thiệt hại thì Bí thư, Chủ tịch xã đó phải chịu trách nhiệm và xã đó không có thiệt hại. Còn việc người dân xã Hải Lộc có kiến nghị sau cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại cho người dân mà không được kiểm đếm, tới đây huyện sẽ kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của địa phương, về việc ngao chết huyện đã mời các cơ quan chức năng vào làm rõ và tới đây sẽ có thông báo chính thức với người dân”.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh