CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

Vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR: Nguyên nhân từ việc chỉ định thầu!?

Vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR: Nguyên nhân từ việc chỉ định thầu!? - Ảnh 1.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

Liên quan đến vụ nâng khống giá mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tại CDC Hà Nội, hiện cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiến hành điều tra và chắc chắn sẽ có kết quả trong thời gian tới. Dư luận cho rằng, Bộ Công an cần điều tra, làm rõ việc mua hệ thống máy móc này tại các tỉnh đã mua và làm rõ về việc chênh lệch giá, việc cho mượn máy.

Trao đổi với PV báo Lao động Xã hội, ông Lê Văn Cuông cho rằng, đây là sự việc tày trời và có trách nhiệm của Bộ Y tế.

"Giá mua máy khoảng từ 1,5 - 2 tỷ nhưng họ lại mua từ 7 đến 8 tỷ là sự việc tày trời. Qua việc này đã lộ nguyên hình một bộ phận thoái hóa biến chất trong lúc dân tình đang khổ sở, đất nước đang khó khăn đối mặt với đại dịch. Họ tranh thủ lúc cả nước chống dịch, nhà hảo tâm ủng hộ chống dịch để khai vống một cách quá đáng không thể tin được, hơn 2-3 lần giá gốc. Sự việc này không thể chấp nhận được, những người vi phạm phải xử lý nghiêm minh" - ông Lê Văn Cuông nói.

Theo ông Cuông, Bộ Y tế phải có trách nhiệm trong việc này nhưng lại phản ứng rất chậm chễ. Bộ có các Vụ chức năng theo dõi về giá thuốc, thiết bị máy móc thì khi có chủ trương để các tỉnh mua và thực hiện xét nghiệm Bộ phải có hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh báo cáo và thậm chí các địa phương phải tham khảo ý kiến của Bộ để được tư vấn về giá.

"Cho đến bây giờ khi Bộ Công an điều tra sự việc, ngành y tế mới đề nghị địa phương báo cáo thì tôi thấy rõ ràng là sự chậm chễ và thiếu chủ động. Lẽ ra ngành phải theo dõi, giám sát việc mua máy, trang thiết bị của các địa phương để kịp thời phát hiện tiêu cực" - ông Cuông nói.

Nguyên ĐBQH cũng khẳng định, Bộ Y tế và Bộ Công an phải vào cuộc kiểm tra từng địa phương, từng máy để tìm hiểu nguồn gốc, giá cả, chi phí vận chuyển như thế nào... để có cơ sở xác định sai phạm.

Vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR: Nguyên nhân từ việc chỉ định thầu!? - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cuông.

Liên quan đến việc một số tỉnh đưa ra lý do máy mượn khi báo cáo Bộ Y tế, ông Cuông cho rằng, các đơn vị đang bao biện.

"Đơn vị kinh doanh mà lại cho mượn máy thì tôi cũng không hiểu. Theo tôi, có thể là bên mua chưa kịp chuyển tiền nên bên bán để cho lấy máy về rồi chuyển tiền sau. Giá cả, hợp đồng thì chắc chắn phải thống nhất rồi chứ giờ lộ ra lại nói là cho mượn hay tính toán giá thì rõ ràng là bao biện" – nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói.

Ngoài ra, ông Cuông cũng đặt câu hỏi, "Ai cũng biết, khi chiếc máy mới được đưa ra khỏi cửa hàng mà muốn trả lại thì sẽ mất một khoản tiền, cho mượn máy thì sau bán cho ai? Họ nói cho mượn là chưa thuyết phục. Đơn vị kinh doanh mà mua máy mới về để cho người khác mượn thì sau này bán máy cũ cho ai?"

Nhận định về nguyên nhân của sự việc này, phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc mua sắm hệ thống máy PCR nếu đem ra đấu thầu công khai thì sẽ khách quan hơn việc chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu sẽ dễ dẫn đến tiêu cực.

"Nếu người trong cuộc cái tâm không trong sáng, lơi dụng cơ hội để nâng giá thì rất dễ xảy ra tiêu cực nếu cơ quan chức năng không giám sát, chặt chẽ" – ông Lê Văn Cuông nói.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) và bắt tạm giam 7 đối tượng do có liên quan đến hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19.

Kết quả điều tra ban đầu và từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng qua các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng (chênh lệch 4,7 tỷ đồng/máy).

NGUYỄN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh