THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:30

Vụ nâng khống giá trị máy xét nghiệm Covid-19: Nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường

Theo LS. Đặng Xuân Cường, khi cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu cơ quan công an chỉ khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 222 BLHS đã thực sự chính xác chưa?, bởi lẽ trong nhóm những bị can bị khởi tố có cả những bị can là người có chức vụ quyền hạn. Các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, do vậy cần phải khởi tố về tội danh trong nhóm tội về tham nhũng. Thắc mắc này cần được luận giải thấu đáo dưới góc độ pháp luật.

Vụ nâng khống giá trị máy xét nghiệm Covid-19: Nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường - Ảnh 1.

LS. Đặng Xuân Cường

Rõ ràng, sau quá trình vào cuộc xác minh, vấn đề đầu tiên có thể khẳng định đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các bị can đã thực hiện là liên quan trực tiếp tới hoạt động đấu thầu thiết bị y tế, do vậy tôi cho rằng việc CQĐT khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu" là hoàn toàn có cơ sở.

Mặt khác, cần phải hiểu, khởi tố vụ án mới chỉ là hoạt động ban đầu để mở ra một quy trình tố tụng chứ chưa phải là hoạt động có ý nghĩa kết luận về tội danh mà các bị can thực hiện. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu nhận thấy hành vi khách quan mà các bị can đã thực hiện, tư cách chủ thể của các bị can… cấu thành một tội danh khác liên quan tới chức vụ, quyền hạn như các tội danh về tham nhũng thì khi đó CQĐT sẽ tiến hành thay đổi quyết định khởi tố đối với các bị can.

Từ những lẽ trên, tôi cho rằng việc CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu" là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo LS. Cường, dịch bệnh Covid 19 là một đại dịch nguy hiểm, lây lan nhanh trên địa bàn rộng lớn. Dịch bệnh hiện là mối lo hàng đầu của cả thế giới… Những bị can bị khởi tố trong vụ việc nêu trên ít nhiều là những người công tác trong lĩnh vực y tế hoặc ít nhiều liên quan tới ngành y tế.

Đây là đội ngũ nằm trong tuyến đầu "chiến đấu" với dịch bệnh, do vậy hơn ai hết, các bị can cần phải có ý thức cao trong việc làm tốt các nhiệm vụ của mình để đóng góp vào mục tiêu chung. Tuy nhiên vì vụ lợi, các bị can lại thực hiện những hành vi làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động phòng chống dịch bệnh chung. Ở góc độ đạo đức xã hội, có thể đánh giá đây là một sự ích kỷ cao độ của nhóm các bị can. Vì lợi ích của bản thân, của nhóm các bị can đã phớt lờ đi sự an toàn của xã hội. Nó đi trái với đạo lý "tương thân, tương ái" đã có hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội nêu trên, khi vụ án được đưa ra xét xử, nhiều khả năng các bị can sẽ bị xem xét áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự hiện hành như tình tiết: Phạm tội có tổ chức hay tình tiết Lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội…

Đây quả thực là một bài học hết sức đau lòng dành cho với các bị can và cũng là bài học cảnh tỉnh chung cho những ai còn có ý định lợi dụng dịch bệnh để trục lợi mà quên đi lợi ích và sự an toàn của cả cộng đồng.

Trước đó, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Vụ nâng khống giá trị máy xét nghiệm Covid-19: Nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường - Ảnh 3.

Các bị can bị bắt giữ trong vụ nâng khống giá trị máy xét nghiệm Covid-19

Các bị can gồm PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) xác định một số cá nhân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã bắt tay doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng".

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh