CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:01

Vụ cầu treo “rụng” gần hết: Tổng cục Đường bộ nói gì?

Xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có 3 chiếc cầu treo được dựng từ những năm 90 thế kỷ trước. Đến nay cả 3 cầu đều đã xuống cấp, đặc biệt cầu treo xóm Bệ nằm ở vị trí quan trọng nhất nhưng bị hư hỏng không thể lưu thông.

Trao đổi với PVông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn, cho biết, trục tỉnh lộ 436 chạy qua địa bàn xã dài 4 km, nay đã xuống cấp trầm trọng, trời mưa lầy lôi, trời nắng thì bụi mù. Người dân nơi đây đánh giá, đường 436 bây giờ là con đường "xấu nhất họ từng đi".

 

 

Những gì còn lại của cây cầu treo xóm Bệ.


Xã Lỗ Sơn có 12 xóm, có 1 con suối Cái chạy dọc chia đôi xã ra làm 2 bên. Có 6 xóm ở vùng ngoài và 6 xóm ở vùng trong. Xã có 3 cầu treo, bắc ngang suối Cái. Và cây cầu xóm Bệ nằm ở vị trí trung tâm xã, nối liền các xóm với tỉnh lộ 436, UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện và chợ. Nhưng đến nay cầu đã hư hỏng gần như hoàn toàn.

Cầu bị xuống cấp từ năm 2014. Tháng 4/2016, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo xã tháo dỡ mặt cầu, nhưng vẫn để lại thanh "xương". Tháo xong bỏ đấy, không sửa chữa cũng không làm cầu mới cho dân đi.

Do nhu cầu đi lại cấp thiết, người dân đã phải liều mình vượt suối bằng cách bám vào phần khung cầu còn lại. Năm 2016, Sở GTVT và UBND huyện lại chỉ đạo tháo dỡ nốt những thanh khung này. Lúc này người dân muốn qua suối phải đi đường vòng xa hơn 3-6 km. Mùa nước cạn dân chấp nhận lội suối, có lúc nước cao ngang ngực.

 

Không có cầu, đường đến trường của những đứa trẻ vô cùng gian nan.


Học sinh đến trường lội suối tới ngực

Cô giáo Đinh Thị Trường - Hiệu trường Trường Tiểu học Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc) - cho biết, Trường Tiểu học Lỗ Sơn có 50% số học sinh sống ở vùng ngoài. Trước kia có cầu các em đi bộ qua cầu chỉ vài chục mét là tới trường, bây giờ cầu hỏng các em đến trường phải lội qua suối, "cực lắm nhà báo ạ", cô Trường than thở.

Nhà nào có điều kiện bố mẹ các em đưa đi đường vòng bằng xe máy, nhà nghèo thì trẻ đi bộ từ sáng sớm để đến trường nên thường xuyên bị muộn học.

Nhiều em không muốn đi bộ đường xa, chấp nhận liều mình cởi quần áo lội suối nước ngang đến ngực, đến bụng... để tới trường. Vào lớp học các em vẫn ướt sũng quần áo, có khi sách vở cũng chẳng còn khô. Đến mùa mưa lũ, rất nhiều em phải nghỉ học.

Cô Trường cho biết, cách đây không lâu có một em bị nước cuốn trôi, may có người lớn đang sửa bè cá gần đó cứu được.

 

Các em học sinh ở xã Lỗ Sơn phải vượt suối bằng những cây cầu nguy hiểm (ảnh: Đàm Quang)


Ông Bùi Văn Sởn, người dân trong xã, cho biết, trước đây khi cầu hỏng, người dân thống nhất mỗi hộ góp 4 cây tre để tự sửa mặt cầu. Nhưng huyện Tân Lạc không cho sửa, bảo đợi để làm cầu mới. Đến bao giờ mới có cầu mới?

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo khởi công cầu mới vào đầu năm 2017, nhưng đến nay đã cuối tháng 8/2017 mà vẫn chưa có cầu.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết đã yêu cầu kiểm tra và báo cáo cụ thể về việc thiếu cầu ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc.

Ông Huyện thông tin: “Đây là những cầu trong báo cáo kiểm tra kỹ thuật của Hòa Bình, theo thiết kế cầu có chiều dài 50m, trong tuần tới sẽ có báo cáo chi tiết về 3 cây cầu này”.

Trả lời câu hỏi: Dân không có cầu đi lại nguyên nhân do địa phương phản ứng chậm chạp hay có vướng mắc gì khác? Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: “Đã có dự án xây dựng cầu, theo tiến độ, cầu sẽ được xây dựng trong năm và hoàn thành trước Tết âm lịch 2018”.

Về sự việc này, PV đã phản ánh tới lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cơ quan tham mưu của Chính phủ về an toàn giao thông.

Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết sẽ xem xét và đốc thúc các đơn vị có trách nhiệm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh