THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:22

Vụ biệt thự ca sĩ Mỹ Linh: 'Phải xử nghiêm cán bộ tiếp tay'

 

Vụ việc "xẻ thịt" đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn xây biệt thự trong đó có công trình Việt phủ Thành Chương và biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh khéo dài hơn 10 năm qua, gây bức xúc dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia cho rằng, vụ việc này chính quyền địa phương không thể vô can, thậm chí có sự tiếp tay, bao che. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm đối với những cán bộ thái hóa, biến chất.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt câu hỏi rằng "Tại sao lại có những vi phạm nói trên, tại sao công trình sai phép đã có kết luận cả chục năm mà vẫn không chịu xử lý?".

 

Một công trình khủng đang hình thành giữa rừng Sóc Sơn - (Ảnh: Chí Hiếu).


Từ câu hỏi đó, ông Liêm cho rằng, TP Hà Nội cần chỉ rõ tên tuổi từng cán bộ nào phải chịu trách nhiệm để dư luận được rõ.

"Về mặt chính quyền không thể nói ủy ban này, ủy ban kia... mà phải chỉ tên ra là ai chịu trách nhiệm lĩnh vực đó, ai để xảy ra vi phạm dù có về hưu cũng phải xử lý thật nghiêm. Chúng ta vừa rồi có những vụ việc làm rất nghiêm, những cán bộ đã về hưu rồi vẫn không thể "hạ cánh an toàn"....", ông Liêm bày tỏ.

Theo ông Liêm, vụ việc "xẻ thịt" đất rừng phòng hộ để xây biệt thự có những điều không minh bạch khi hiện trạng vi phạm xảy ra nhan nhản từng ngày mà không xử lý.

Bên cạnh xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm, ông Liêm cho rằng cần xử lý thật nặng những chủ công trình vi phạm để làm gương, thậm chí thu hồi trồng lại rừng hoặc tịch thu công trình vi phạm để làm công trình công cộng.

 

Công trình khủng mọc nhan nhản ở rừng Sóc Sơn.


Trong khi đó, trả lời báo Trí thức trẻ, giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường cho rằng: Vấn đề trên chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc "tại sao trong những năm qua chúng ta mất rừng nhiều như vậy".

Kể từ khi Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm về việc quản lý đất rừng ở Sóc Sơn năm 2006 đến nay đã 12 năm, tuy nhiên, các vi phạm, công trình xây dựng vẫn không bị chính quyền từ TP đến huyện, xã xử lý. Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn", giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Theo ông, việc để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng này trước tiên thuộc về trách nhiệm của chính quyền cấp xã, bởi quy định của Luật đất đai đã nêu rõ: "UBND xã có trách nhiệm phát hiện các vi phạm pháp luật trên địa bàn mình quản lý, đưa ra phương thức giải quyết, ngăn chặn theo thẩm quyền. Nếu trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên cơ quan cấp trên".

 

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường.

 

"Điều này đã được ghi nhận rõ ràng từ Luật đất đai 2003 đến 2013. Tuy nhiên, như những gì đã xảy ra cho thấy, UBND xã không phát hiện ra đây là sai phạm, vi phạm pháp luật mà thậm chí còn chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đất. Việc này có thể hiểu lãnh đạo xã không hiểu biết pháp luật hoặc có thể biết nhưng có vấn đề tiêu cực nên dung túng cho hành vi vi phạm.

Tiếp đó là trách nhiệm của huyện, TP và kể cả các Bộ, ngành có liên quan khi không phát hiện, đưa ra giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để việc xây dựng, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép", ông Võ nêu.

Đối với các công trình như của biệt phủ Thành Chương, nhà của gia đình ca sỹ Mỹ Linh... dù đã được cơ quan thanh tra kết luận có vi phạm nhưng chưa bị xử lý dứt điểm, ông Võ cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ và trả lời cụ thể cho dư luận tại sao lại như vậy.

So sánh với việc Đà Nẵng buộc tháo dỡ các công trình ở Sơn Trà, ông Võ cho rằng: Dù là ai, nổi tiếng hay quyền chức nhưng nếu xác định công trình có vi phạm mà còn nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh, cương quyết tháo dỡ mới có thể ngăn chặn được tình trạng sai phạm kéo dài và sửa sai.

Theo ông Đặng Hùng Võ, cần phải làm rõ, có ai cản trở hay đề xuất, việc để nguyên không cho xử lý các công trình vi phạm không. Nếu có thì cần xử lý rất thích đáng các cá nhân, cán bộ này, kể cả người đã về hưu.

Ông nhấn mạnh, để tránh việc mất rừng, "nhờn pháp luật", các cơ quan chức năng cần cương quyết dẹp bỏ, tháo dỡ, phá dỡ các công trình vi phạm. "Có quyết tâm, cương quyết làm, dẹp bỏ, tháo, phá dỡ các công trình vi phạm, chúng ta mới lập lại được kỷ cương còn không như thực tế cho thấy chỉ từ năm 2013 đến nay, các công trình vi phạm, sai phạm đã mọc lên rất nhiều, ngày càng phức tạp ở đất rừng Sóc Sơn", ông Võ nói trên tờ Trí thức trẻ.

 

Xã nói chỉ là công trình tạm bợ

Trả lời báo chí về hiện tượng "xẻ thịt" đất rừng xây biệt thự diễn ra tại địa phương, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Chủ tịch xã Minh Phú (Sóc Sơn) cho biết: "Những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ tại địa phương chúng tôi đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Hà Nội chỉ rõ, kiến nghị xử lý trước đó.

Sau khi có yêu cầu của UBND TP Hà Nội, toàn bộ những công trình đang xây dựng bên trong khu vực bị thanh tra đều được yêu cầu dừng hoạt động".

Về tình trạng những công trình vẫn công khai xây dựng, phớt lờ lệnh cấm, vị Phó Chủ tịch nói: “Chúng tôi đã yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng cách đây 1 tháng để không có phát sinh mới. Hiện tại trên địa bàn không có công trình đồ sộ chỉ có những ngôi nhà tạm bợ, bộ khung được dựng lên có khi trong ngày đã hoàn thành.

Tôi khẳng định không có tình trạng bao che cho sai phạm, có chăng là việc lén lút xây dựng vào ban đêm của các hộ dân. Nhưng các anh cũng phải hiểu là địa bàn xã rất rộng, người không đủ để ở đó suốt ngày trông họ được”, ông Tâm phân trần.

Thông tin về ngôi biệt thự triệu đô của nữ ca sĩ Mỹ Linh, ông Tâm cho hay: “Khu đất của nhà Mỹ Linh thì không thuộc trong danh sách rừng phòng hộ. Đến giờ Mỹ Linh xây dựng nhà ở cũng không sai vì cô ấy đến mua lại đất của các hộ dân và được cấp bìa đỏ. Chỉ là vấn đề bìa đỏ được cấp đất thổ cư nhiều hơn quy định (quy định là 400m2 – PV)”. Tuy nhiên ông Tâm không nắm rõ diện tích đất thổ cư được cấp của nhà ca sĩ Mỹ Linh và nói cần phải kiểm tra lại, sẽ trả lời sau.

Tuấn Anh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh