Vụ 130 ha rừng tan hoang: Lãnh đạo “yêu rừng, thương dân lắm”
- Dược liệu
- 13:52 - 04/03/2017
Cây gỗ bị đốt cháy nằm la liệt.
Rừng già thành bãi đất trống
Vượt qua cản trở của thời tiết, trước những cơn mưa rừng liên tục đổ xuống vùng biên giới của huyện Bù Đốp, cạnh nước bạn Campuchia, chúng tôi có mặt tại khoảnh 1, tiểu khu 69, nông lâm trường Bù Đốp. Đây là khu vực có gần 130 ha diện tích rừng tự nhiên với hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ vào tháng 8/2016 mà UBND tỉnh này cho phép đổi sang thực hiện “dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
Bên trái con đường đất đỏ dẫn vào là những vạt rừng cao su chuẩn bị thu hoạch, còn bên phải là những cánh rừng tự nhiên bị đốn hạ. Một số cây gỗ lớn, đường kính 0,5 - 0,8 m, dài cả chục mét chưa được kéo đi nằm sót lại khiến người đi đường không khỏi xót xa. Cạnh bìa rừng bị tàn phá là những lán trại bỏ hoang, trước đây những người khai thác gỗ rừng dựng lên giả chiến.
Có mặt cùng chúng tôi tại tiểu khu 69, một cán bộ công tác ở huyện Bù Đốp nói: “Thật ra đồng bào ở đây có ý thức bảo vệ rừng. Dân chặt vài cái cây thì gọi là phá rừng, nhưng bằng các dự án, người ta mang máy ủi, ủi phăng hàng trăm héc ta rừng một cách nhanh chóng”. Chỉ khoảng đất trống mênh mông còn trơ vài gốc cây mấy vòng tay người ôm không hết đã bị đốt cháy nham nhở, người này nói khoảng đất trống này là gần 130 ha rừng đã bị ủi trắng. “Nếu báo chí không kịp thời lên tiếng để cơ quan chức năng cho dừng lại dự án thì diện tích rừng tự nhiên ở đây bị xóa sổ còn nhiều hơn nữa”- cán bộ này nói.
Theo người dân sống gần khu vực rừng bị phá, thời điểm đó việc khai thác có vẻ rất khẩn trương, cây gỗ vừa đốn ngã được đóng dấu ngay tại chỗ, sau đó xe tải, container nhanh chóng chở ra khỏi rừng. Cây rừng bị chặt đến đâu họ san ủi mặt bằng tới đó.
Hành trình phá rừng
Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp (vừa nghỉ hưu) cho biết, trước đó Hạt kiểm lâm Bù Đốp nhiều lần yêu cầu các ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị không thực hiện dự án chuyển đổi rừng tại khoảnh1, 2, 3 tiểu khu 69. Bởi, diện tích rừng tự nhiên 574,2 ha tại đây rất quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn, là lá chắn bảo vệ lòng hồ thủy điện Cần Đơn mỗi lần có lũ tràn về. Tuy nhiên, ông nói những góp ý trên không ai để ý, để rồi gần 130 ha rừng đã bị san ủi trước khi dự án bị đình chỉ.
Cụ thể, tỉnh Bình Phước giao Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé khai thác hơn 575 ha rừng tại tiểu khu 69 thuộc Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp để thực hiện dự án “chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
Tại đây đã xảy ra hàng loạt sai phạm như: UBND tỉnh Bình Phước đã vượt cấp cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé tự ý khai thác rừng mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp giấy phép sai trong việc cho doanh nghiệp khai thác rừng tự nhiên nhằm trồng cao su, chăn nuôi.
Trong khi đó, doanh nghiệp này không có chức năng chăn nuôi. Thêm nữa, Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường và lập dự án trình các cơ quan chức năng phê duyệt. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp phép khai thác rừng tự nhiên là vi phạm về trình tự thủ tục cấp phép khai thác rừng theo quy định của pháp luật.
Do đó, C49 đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước phải tạm ngưng cấp phép khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 1, tiểu khu 69; tạm ngưng cấp phép khai thác mới, khai thác tận dụng lâm sản tại các khoảnh 2, 3 của tiểu khu 69 đối với Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé.
Chủ tịch rất yêu rừng?
Trước việc Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu vào Bình Phước kiểm tra việc tỉnh này chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thay mặt tỉnh này xin lỗi Chính phủ và hứa sẽ thực hiện nghiêm túc. Cụ thể về lỗi tỉnh này để xảy ra việc chuyển đổi hàng trăm héc ta rừng tự nhiên tại nông trường Bù Đốp sang mục đích khác chưa đúng quy định.
Cây cổ thụ bị ủi trơ gốc nằm trong bãi đất trống tại khoảnh 1, tiểu khu 69, nông lâm trường Bù Đốp.
Theo bà Hoa, giờ thì ông Trăm (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - PV) dị ứng khi nói đến rừng. “Còn báo chí thì viết bài chắp cái này lấy cái kia chứ không có đúng. Do đó, chủ tịch UBND tỉnh dị ứng thật sự với rừng, ổng nói chở gỗ đi là phá rừng, chở đi mất công báo chí vô cuộc, nên bỏ hết cây trên rừng không cho mang về.
Nhiều khi ổng nói thứ nhất yêu vợ, thứ nhì yêu rừng, thứ ba yêu cây điều, thứ bốn yêu công nghệ cao. Nên giờ các dự án mà liên quan đến rừng là gạch ngay tức khắc, ngay cả gỗ mua vận chuyển từ Campuchia về cũng không cho luôn, chạy hư đường”- bà Hoa nói.
“Ổng yêu rừng, quý rừng, thương dân lắm, đặc biệt là thương dân nghèo chứ không như báo chí nghĩ đâu. Hiện Bình Phước đang xây 23 km tường rào để bảo vệ 3.000 ha rừng, đích thân ông Trăm đi vận động, xin công ty này, công ty khác hàng chục tỷ đồng để về xây dựng tường như “vạn lý trường thành” để che chắn cây rừng”. Bà Hoa nói về người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Phước |