"VTV không góp đồng nào, ngoài mấy trạm phát sóng"
- Huyệt vị
- 12:47 - 21/04/2016
Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc (TGĐ) K+, ông Lê Chí Công lí giải sở dĩ VSTV liên tục thua lỗ những năm qua, vì họ không có tiền ngay từ đầu.
“Lỗ vì làm được đồng nào trả nợ hết”
Trong những năm qua, vốn hoạt động chủ yếu của VSTV là vốn vay (66 triệu USD), chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư (86 triệu USD).
Nhiều lần, vị lãnh đạo K+ nêu trách nhiệm của VTV với tư cách một bên góp vốn chính (51%) trong việc để K+ phải đi vay, trả lãi, dẫn đến thua lỗ. Ông Công cho biết dù VTV giữ 51% nhưng không phải góp bằng tiền mặt và không có đủ tiền để góp số vốn như kế hoạch kinh doanh ban đầu là 54 triệu USD nên K+ phải đi vay để hoạt động.
Tổng Giám đốc K+ Lê Chí Công
“Chúng tôi cứ nghĩ cứ hoạt động xong rồi bổ sung cho đủ tiền, nhưng VTV không có chủ trương tăng vốn góp nên K+ phải tự đi vay”, ông Công nói.
"Khi xây dựng kế hoạch hoạt động ban đầu, VTV không có đồng nào nộp ngoài trạm phát sóng. VTV chỉ góp hơn 10 triệu đô giá trị quy đổi từ trạm phát vệ tinh và hơn 100.000 thuê bao. Trạm thì đã cũ nên doanh nghiệp phải đầu tư lại từ đầu.
Nói cách khác, chúng tôi hoạt động được là nhờ Canal bảo lãnh cho vay chứ phía đối tác Việt Nam có đồng xu nào đâu. 6 năm qua, dù chịu thua lỗ, nhưng bên chủ đầu tư Canal vẫn đáp ứng đủ vốn cho chúng tôi hoạt động. Suốt ngần ấy năm hoạt động, có đến 80% là vốn đi vay thì theo lãi vay đã đủ chết rồi. Giả sử VSTV mà không hoạt động nữa tiền đó Canal phải chịu", ông Công nói.
Với Canal Plus – đối tác của VTV có cổ phần tại VSTV, số tiền trên chẳng là gì cả, nhưng về nguyên tắc, doanh nghiệp phải vay mượn theo đúng luật Theo vị lãnh đạo K+, nếu không có phương án bổ sung vốn, tự dưng đơn vị chi phí lớn do lãi vay.
“Phi lý ở chỗ người ta thừa vốn để đầu tư, nhưng lại cứ phải đi vay để trả lãi suất ngân hàng. Họ không thể tự tiện bơm tiền cho K+ vì phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư. Bơm tiền sẽ gây lệch lạc quan hệ kinh tế. Họ chỉ hỗ trợ được bằng cách vay hộ hoặc bảo lãnh cho chúng tôi vay”, ông Công trần tình.
Theo báo cáo VTV gửi Văn phòng Chính phủ, K+ liên tục chịu lỗ trong suốt 6 năm qua. Năm 2009, số lỗ trước lãi vay là 59,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 154-400 tỷ đồng những năm sau đó (nếu tính sau lãi vay, con số này dao động trong khoảng 59,5-453 tỷ mỗi năm). Riêng năm 2015, dù tuyên bố vào giữa năm đã đạt điểm hòa vốn, song kết thúc năm tài chính, K+ vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Đến hết năm, lỗ lũy kế của K+ là gần 2.000 tỷ đồng.
VTV dự đoán kết quả kinh doanh năm 2016 của Đài Truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) sẽ lỗ hơn 260 tỷ đồng, đến năm 2017 sẽ lỗ khoảng 120 tỷ đồng. Thừa nhận trong 2 năm tới, VSTV có thể sẽ tiếp tục chịu lỗ, ông Công nêu quan điểm, lỗ vì làm được đồng nào đi trả lãi vay hết.
Ông Công cũng trần tình việc lỗ "có lý riêng của nó”. Theo vị này, năm 2016, họ chịu lỗ tiếp vì có chiến dịch đổi đơn giá, mức phí thuê bao mới từ 230.000 đồng/tháng xuống còn 125.000 đồng/tháng.
“Nếu cố gắng duy trì mức phí cũ có thể chúng tôi không lỗ mà hòa vốn. Nhưng đó là hòa vốn kinh doanh, còn chúng tôi vẫn chịu lỗ vốn vay mấy triệu USD/năm – hàng trăm tỷ đồng.
Nói cách khác, cứ duy trì 230.000 đồng/tháng, cầm cự hòa thì doanh nghiệp chẳng bao giờ phát triển được. Hơn nữa giữ mặt bằng thế rất khó kinh doanh nhất là trong bối cảnh người ta cho không, khuyến mại nhiều như hiện nay”, ông Công lý giải.
VTV thoái vốn, VSTV “chỉ có tốt lên”
Lãnh đạo K+ thừa nhận liên tục thua lỗ.
Theo ông Công, "giờ phải tính cách để bổ sung vốn cho doanh nghiệp, theo luật, hoặc là chuyển nhượng hoặc bán ra ngoài để có vốn hoạt động. Hình thức nào để tăng vốn hoạt động cho VSTV thì chúng tôi đang tính toán”.
Vị lãnh đạo K+ nói thêm, phía Canal để nghị hai bên góp tiền vào cho đủ số vốn ban đầu, nhưng VTV nhất định không vì họ đang chủ trương thoái vốn nhà nước, không thể tăng thêm được.
"Hiện phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào VSTV lớn quá, không mang lại hiệu quả nên cần phải thoái dần để chuyển sang các hình thức khác”, ông Công cho biết.
Lãnh đạo K+ nói thêm, vì VTV không có tiền phải để cho đơn vị khác đóng tiền vào đó để bù lại tiền đi vay, đỡ đi khoản đi vay. Chỉ cần đỡ đi vài triệu USD tiền đi vay mỗi năm thì VSTV có thể hòa vốn.
Về kế hoạch thoái vốn của VTV khỏi VSTV, ông Công cho hay, đơn vị này "không có chủ trương cổ phần hóa theo kiểu công chúng. Chúng tôi chỉ định thoái vốn sang các thành phần kinh tế khác để giảm bớt, thậm chí hoàn lại vốn nhà nước, để khỏi rủi ro cho ngân sách nhà nước mà VSTV vẫn còn tiền để hoạt động".
Về lộ trình thoái vốn của VTV, ông Công mong muốn điều đó sớm xảy ra. “Do vướng yếu tố nước ngoài nên phải xin ý kiến Thủ tướng, mọi thứ sẽ lâu hơn chút dù chẳng ai muốn vậy. Chúng tôi phấn đấu giải quyết việc thoái vốn trong năm nay".
Trước đó, thông tin VTV sẽ bán vốn tại K+ đã được ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV cho biết tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Truyền hình cáp Việt Nam VTVcab hồi giữa tháng 9/2015, cùng với quá trình cổ phần hóa ở VTVcab và SCTV. Sau khi thoái vốn VTV chỉ nắm quyền quản lý các đơn vị, bao gồm K+ về mặt nội dung theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Bình Minh, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ triển khai đến hết năm 2016. Hiện nay, VTV đã bắt đầu thực hiện cổ phần hóa với VTVcab, và SCTV. Lộ trình thoái vốn của VTV tại K+ chưa được thông báo cụ thể. "Một khi VTV thoái vốn, bất cứ nhà đầu tư nào thấy K+ có tiềm năng và muốn đầu tư vào, chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận theo luật”, ông Công nhấn mạnh, đồng thời lạc quan, VTV thoái vốn, VSTV "chỉ có tốt lên".