THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:56

Vốn FDI 9 tháng ước đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.124,5 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 841 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.544,2 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt 19.668,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018 còn có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 788 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,84 tỷ USD và 5.087 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,86 tỷ USD.

Trong 9 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.261,8 triệu USD, chiếm 44,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4.953,7 triệu USD, chiếm 35,1%; các ngành còn lại đạt   2.909 triệu USD, chiếm 20,6%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm nay đạt 9.670,7 triệu USD, chiếm 49,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.444,2 triệu USD, chiếm 27,7%; các ngành còn lại đạt 4.553,8 triệu USD, chiếm 23,1%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.656,5 triệu USD, chiếm 29% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 1.340,2 triệu USD, chiếm 23,5%; các ngành còn lại đạt 2.707,5 triệu USD, chiếm 47,5%.

Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 9 tháng năm nay, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 4.934,6 triệu USD, chiếm 34,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 1.774,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Bình Dương 684,5 triệu USD, chiếm 4,8%; Đồng Nai 682,5 triệu USD, chiếm 4,8%; thành phố Hồ Chí Minh 675,5 triệu USD, chiếm 4,8%; Hải Phòng 499,7 triệu USD, chiếm 3,5%; Ninh Thuận 385,1 triệu USD, chiếm 2,7%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 2,6%; Bắc Ninh 361,6 triệu USD, chiếm 2,6%.

Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5.837,5 triệu USD, chiếm 41,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 3.094,7 triệu USD, chiếm 21,9%; Xin-ga-po 1.101,4 triệu USD, chiếm 7,8%; Thái Lan 853,9 triệu USD, chiếm 6%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 603,7 triệu USD, chiếm 4,3%; Trung Quốc 547,9 triệu USD, chiếm 3,9%; Pháp 470,2 triệu USD, chiếm 3,3%.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh