Võ thuật học đường, sân chơi lành mạnh cho học sinh và trẻ em
- Văn hóa - Giải trí
- 00:50 - 21/11/2019
Cứ sau giờ học văn hóa, bắt đầu từ 17h30 chiều tối hàng ngày, nhiều em học sinh ở khu vực phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) lại tụ tập về khuôn viên sân Trường Tiểu học số 1 Hương Chữ để tham gia học võ thuật. Tại đây, các em được thầy giáo Đậu Văn Hoàng (hiện là Chuẩn võ sư – Huấn luyện viên cao cấp của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơ, TP. Huế) truyền dạy võ thuật của môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn.
Có mặt tại đây đúng dịp kỷ niệm ngày 20/11, chúng tôi ghi nhận tâm lý thoải mái, hồ hởi của tất cả các môn sinh. Sau khi được tham gia học võ, các em không chỉ khỏe mạnh về thể chất, mà khỏe mạnh cả về tinh thần. "Sau khi biết tin trong trường có dạy môn võ vào buổi chiều tối, em đã xin ba mẹ cho đi học và được đồng ý. Đi học võ vừa rèn luyện bản thân, vừa được làm quen với các bẹn mới nên em rất vui", một học sinh cho biết.
"Chúng tôi phân phối cách dạy phù hợp để không chồng chèo lịch học văn hóa của các em, đồng thời tạo cho các em một sân chơi rất là lành mạnh và ý nghĩa. Mặt khác, chúng tôi đưa võ thuật cổ truyền vào trường học cũng là mong muốn tất cả học sinh đều biết võ. Vì các em biết võ thuật thì càng trau dồi hơn về mặt đạo đức. Bởi trong quy tắc nhà võ có rất nhiều điều để khắc chế, giúp các em đằm tính hơn. Một điều nữa là khi tham gia học võ thuật, các em sẽ được rèn luyện thêm sức khỏe, phát triển kỹ năng. Nên chúng tôi rất mong xã hội sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này", thầy Hoàng cho biết.
Một võ đường học đường khác cũng đã phát triển và tồn tại từ năm 2006 đến nay tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế là câu lạc bộ võ đường Phú Mỹ (Trường Trung học cơ sở Phú Mỹ, huyện Phú Vang). Theo thầy Phạm Thành Tùng, tổ trưởng tổ nhạc họa, Trường Trung học cơ sở Phú Mỹ, đồng thời là chủ nhiệm võ đường, từ khi ra đời đến nay, câu lạc bộ đã đào tạo, phát triển kỹ năng cho rất nhiều bạn trẻ, học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế còn thiếu nhiều sân chơi võ thuật cổ truyền để các em có thể phát huy hơn nữa kỹ năng đã được học.
Theo lão võ sư Trần Đình Trúc, Chưởng môn đời thứ 3 môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn, tại địa bàn Thừa Thiên – Huế, môn phái võ cổ truyền này đã được sáng lập từ những năm 1980 do Cố đại lão võ sư Trương Cảnh sáng lập. Sau đó, các võ đường đã được mở tại Trường Randa - đường Trần Cao Vân (nay là trường Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, TP. Huế; Võ đường Trường Hai Bà Trưng. Với sự dẫn dắt cố đại lão võ sư Trương Cảnh và các đệ tử, môn phái đã phát triển mạnh về số lượng môn sinh, và đào tạo nhiều thế hệ, hàng ngàn môn sinh, nhiều huấn luyện viên, và môn sinh đã tham gia nhiều chương trình thể thao thi đấu tầm quốc gia, đạt giải thi đấu võ đài, biểu diễn quyền, kiếm suất sắc. Nhiều môn đồ tham gia thượng đài và biểu diễn tại các kỳ thi Quốc gia đạt huy chương vàng, bạc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có rất nhiều câu lạc bộ võ thuật môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn trong trường học, như: Câu lạc bộ Vinh Xuân, Vinh Thanh và Vinh Hà, Phú Mỹ, Hương Sơ, Phước Vĩnh, Trường An…với hàng trăm môn sinh theo học. Điều đặc biệt nữa là, đối với các trường hợp môn sinh thuộc diện con nhà nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn, giảm học phí theo học.
Được biết, cùng với một nền võ cổ truyền của triều đại Tây Sơn, dưới thời nhà Nguyễn, Huế cũng được mệnh danh là Võ kinh với nhiều môn phái võ cổ truyền được kế thừa, hình thành và phát triển một cách rực rỡ. Ngày nay, ở Huế có đến 15 môn phái võ cổ truyền dân tộc vẫn hoạt động, tiêu biểu là các môn phái: Việt Võ đạo, Bạch Hổ, Nga My, Thiên Mục Sơn, Thiếu Bảo, Nam Sơn, Hầu Quyền Đạo, Thiếu Lâm Vạn An, Võ Kinh Vạn An… Đây là điều kiện rất thuận lợi để đưa võ thuật cổ truyền đến với học sinh…
Cũng bởi lẽ đó, tháng 4/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bàn hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 dựa trên Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.
Theo quyết định này, Thừa Thiên – Huế hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học; tăng cường sức khỏe, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho trẻ em, học sinh, sinh viên; gắn giáo dục thể chất, thể thao trong trường học với giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên góp phần đào tạo học sinh, sinh viên có năng khiếu và tài năng thể thao cho tỉnh nhà.
Trong đó, phấn đấu 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục của từng cấp học; thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, lồng ghép các môn thể thao đặc thù, có tiềm năng phát triển và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như: Bơi lội, Điền kinh, Cờ vua, Võ cổ truyền...vào chương trình dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả môn học giáo dục thể chất.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Thừa Thiên – Huế hướng tới hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa. Vì vậy, việc một số môn phái võ cổ truyền tại xứ cố đô, như Nam Sơn, Vạn An đang từng bước đi vào các trường học đã đi đúng hướng mà tỉnh này đã vạch ra. Qua đó, tạo ra các sân chơi an toàn, lành mạnh cho học sinh, trẻ em, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, game điện tử,…