Vỡ đê ở Hà Nam, hàng trăm hộ dân sống trong biển nước
- Tây Y
- 02:49 - 02/08/2018
Đến ngày 1/8, nước vẫn chưa rút khiến hơn 100 hộ dân ở khu vực này vẫn phải sống trong nước ngập. 19 ha lúa, hoa màu và gần 2 ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập, rất may tài sản của người dân cơ bản đã được di chuyển trước khi vỡ đê.
Nhiều hộ dân tại Hà Nam đang phải sống chung với lũ.
Ông Nguyễn Tiến Cửu, Bí thư Chi bộ thôn Tái 1, nơi có 80 hộ dân bị ngập, cho biết: “Thôn có 8 hộ bị nặng nhất là nhà ông Hùng, ông Lanh, bà Chính, bà Mười, bà Huyền… đều ngập nửa nhà, phải đến nhà họ hàng ở nhờ. Còn lại hơn 70 hộ đều phải đi lại bằng thuyền mới ra được ngõ. Nhà nào không có thuyền thì phải nhờ hàng xóm đi chợ hoặc mua bán hộ, nếu không thì phải lội nước ngang lưng, thậm chí bơi trên đường”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bứa ở thôn Tái 2 cho biết, các hộ dân ở cả 3 thôn bị ngập đều phải đi lại bằng thuyền, nhưng khổ nhất là mất điện, mất nước. Nhà thì tối tăm, ẩm thấp, mùi xú uế của rác, xác động vật chết theo nước tràn vào tận nhà. Người lớn, trẻ con tắm giặt bằng nước sông đục ngầu nhưng cũng chỉ dám dội tráng bằng 1 gầu nước mưa nên người lúc nào cũng nhơm nhớp.
Cũng theo ông Cửu, bà Bứa thì việc vỡ đê ở đây không phải năm nay mới xảy ra. Từ năm 1985 đã xảy ra vỡ đê. Hơn 30 năm nay, vào mùa mưa lũ, nước sông Châu Giang thường xuyên tràn qua đê bối vào bờ “ngâm” dân vùng này. Gần nhất là năm ngoái, đê bối cũng vỡ đúng điểm này, khiến cả thôn Tái 1 và Tái 2 nháo nhác chạy lũ. Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đinh Xá, xác nhận thông tin này và cho biết, ngoài 2 điểm vừa sạt lở, năm nay con đê này có gần 40 m khác có dấu hiệu bị nứt.
Ông Trương Quang Bảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho hay việc sạt lở đê xảy ra năm 2017 cũng như năm nay đều là bất khả kháng. "Đê bối theo quy định chỉ chịu được mức báo động dưới cấp 3 là 3,5 m. Tuy nhiên, đỉnh lũ trong 2 lần sạt đê đều cao trên 4 m, gần 5 m nên phải để nước tràn qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận là đoạn đê bối này khá yếu, UBND thành phố đã báo cáo và được tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án nâng cấp đoạn đê này với tổng kinh phí khoảng 14 tỉ đồng”, ông Bảo thông tin và cho biết lẽ ra dự án đã thi công từ tháng trước, nhưng do mưa liên tục nên phải hoãn, song sẽ được làm xong trong năm 2018.