THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Thiên tai 'thổi bay' gần 3.600 tỷ đồng

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp khẩn để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp.

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thế giới liên tiếp phải hứng chịu các trận thiên tai lớn, nhất là mưa lũ lịch sử tại miền Tây Nhật Bản làm 242 người chết.

Tại Việt Nam, tiếp theo một năm 2017 thiên tai bất thường, nghiêm trọng, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, ATNĐ, dông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại,… và đặc biệt, sau các đợt nắng nóng đỉnh điểm là mưa lớn kéo dài. Điều đó cho thấy, thiên tai hết sức dồn dập và cực đoan.

Ở Việt Nam đã xảy 4 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó hoàn lưu sau bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng từ ngày 13-22/7/2018, đặc biệt có nơi gần 1.000mm (Km46 Sơn La đến 934mm) kéo dài ở hầu hết các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.

Nhiều gia đình tại Chương Mỹ (Hà Nội) hiện vẫn đang phải sống chung với lũ.

 

Lũ lớn trên báo động 3 ở thượng lưu sông Thao, sông Hoàng Long, riêng sông Bứa tại tỉnh Phú Thọ đã vượt mức lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m; gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng.

Chỉ trong 1 tháng gần đây, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại ở Lai Châu, Hà Giang từ ngày 23-26/6/2018; tại Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 13-21/7/2018.

Thống kê từ đầu năm trên cả nước đã xảy ra 151 trận lốc, sét, mưa đá làm 22 người chết, 29 người bị thương. Nguy hiểm hơn, tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước, bất kỳ chỗ nào có mưa từ 100-150mm đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây ra tổn thương nghiêm trọng.

Nhiều thiết chế hạ tầng quá tải, nhất là hơn 1.000 hồ chứa thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa.

Tổng hợp từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: "Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những tổn thương ghê gớm như vậy, một loạt đê xuống cấp, ẩn hoạ khôn lường. Nếu không khẩn trương củng cố lại hạ tầng và có các giải pháp ứng phó, thậm chí là thảm hoạ thiên tai sẽ xảy ra”.

Cũng theo Bộ trưởng: "Đợt mưa lũ vừa rồi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Dự báo thời gian tới lại tiếp tục có mưa, chưa kể sẽ có áp thấp nhiệt đới, bão, trong khi đó các thiết chế hạ tầng ứng phó với thiên tai đã bị tổn thương nặng nề. Hơn 2.000 hồ, trong đó hơn 200 hồ đã bị xuống cấp hết sức nguy hiểm; hơn 200 km đê, 18 điểm xung yếu, vừa qua đã có nhiều đoạn đê bị tràn, đặc biệt là hệ thống đê cấp 3 và cấp 5 của chúng ta cũng đang bị xuống cấp...”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Tổng cục Thủy lợi tiếp tục rà soát tiếp các hồ để có biện pháp xử lý kịp thời; Bộ Công Thương cần rà soát 285 hồ, đây là những hồ do Ban Chỉ huy PCTT các địa phương quản lý; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết trong những ngày tới; Tình hình mưa lũ vừa qua vẫn còn nhiều địa phương ngập lụt, đề nghị ngành y tế hết sức chú ý tới vấn đề dịch bệnh; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần trực 24/24h, thường xuyên có liên lạc với các địa phương để phối hợp kịp thời trong công tác ứng phó với thiên tai,...

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh