Vở Chèo mới về danh nhân Kỳ Đồng: Hấp dẫn, nhiều mới lạ
- Văn hóa - Giải trí
- 06:03 - 01/08/2022
Vở diễn “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” được xây dựng dựa trên kịch bản văn học của cố tác giả Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), được tác giả, thạc sỹ Lê Thế Song chuyển thể sang Chèo dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn, NSND Lê Hùng.
Đậm chất dân dã của sân khấu Chèo truyền thống
Buổi tổng duyệt vở diễn vào cuối tháng 7 đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ phía khán giả cũng như các đồng nghiệp yêu nghệ thuật dân tộc bởi sự chỉn chu, đẹp đẽ của thiết kế sân khấu cùng những giọng ca nổi bật của một đơn vị Chèo xứng đáng đứng vào vị trí hàng đầu cả nước.
Vở diễn được xây dựng dựa trên những tư liệu lịch sử có thật về Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929) – danh nhân với tài năng hiếm có được vua Tự Đức sắc phong tên Kỳ Đồng (cậu bé kỳ lạ) và được nhận trợ cấp tiền, gạo, quần áo.
Từ bé, Nguyễn Văn Cẩm đã bộc lộ tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, và đặc biệt là bệnh cứu người. Người dân xung quanh mỗi khi bị bệnh, dù nặng đến đâu đều được cậu bé Cẩm chữa cho khỏi bệnh. Chỉ cần sờ tay vào người bệnh là tự dưng trong đầu Cẩm như được mách bảo cách chữa như thế nào. Người dân quanh làng gọi cậu là thánh.
Trên sàn diễn, cảnh cậu bé Cẩm chữa bệnh cho dân làng được đạo diễn dàn dựng khá vui vẻ, mang đậm tính chất dân dã của sân khấu Chèo truyền thống. Đặc biệt, nhân vật ông quan bị bệnh “ăn nhiều quá” đến nỗi đi đứng khó khăn vừa tạo tiếng cười hài hước vừa mang màu sắc hiện đại cho vở diễn.
Ông “quan tham” đã được cậu bé Cẩm chữa khỏi bệnh. Sau này, khi biết cậu Cẩm từ Pari về nước tập hợp dân làng lên vùng rừng núi Yên Thế xây dựng cơ sở cách mạng, ông quan đã mang tặng nhiều vàng bạc. Trên vùng rừng núi Yên Thế khi ấy truyền tụng một câu dân gian: “Nhất cụ Kỳ, nhì cụ Thám” để ca ngợi tài lãnh đạo kiệt xuất của Kỳ Đồng.
Song cũng tài năng xuất chúng đó mà Kỳ Đồng bị giặc Pháp bắt đi đầy sang An-giê-ri vĩnh viễn không được trở lại quê hương. Thời gian hoạt động cách mạng của Kỳ Đồng ở Việt Nam chỉ khoảng 2 năm.
Dù thời gian ngắn ngủi nhưng tinh thần yêu nước của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và ý chí quật cường chống ngoại xâm của người dân trong nước.
Trên sàn diễn, khán giả bị thu hút bởi những lớp diễn thể hiện tài đối ứng của Kỳ Đồng, cho thấy chân dung của một vị thủ lĩnh gạn dạ; hay lớp diễn thể hiện sự đau xót, day dứt, lưu luyến khi Nguyễn Văn Cẩm phải rời xa quê hương.
Tác giả cũng đầy dụng công khi đưa vào kịch bản những chi tiết thể hiện tình yêu son sắt, thủy chung giữa Nguyễn Văn Cẩm và cô Trai, từ đó làm tăng vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn và cho nhân vật.
Nhiều chấm phá sáng tạo, diễn xuất xuất thần
Sự xuất hiện đầy sáng tạo của dàn đế ở một góc sân khấu với cách dẫn chuyện cùng những màn giao đãi thú vị mang đến nhiều thích thú cho người xem, góp phần khắc sâu hơn những lớp diễn phục hiện, giãn cách.
Không khỏi bất ngờ khi bắt gặp những cảnh diễn thấm đẫm chất điện ảnh trên sân khấu chèo. Đó là khi cậu bé Kỳ Đồng khoe ba quả trứng để trong túi từ sáng đã nở thành chim, cậu đưa tay tung những chú chim bay lên cao ngay trên sân khấu và hướng mắt nhìn theo như một cách thể hiện khát vọng tự do cháy bỏng.
Hay cảnh cô Trai cầm ngọn đèn dầu đưa mắt về nơi xa đợi chờ mòn mỏi đến mức bấc lụi dầu hao, khắc họa sự thủy chung son sắt của người con gái nơi quê nhà mong nhớ người yêu nơi viễn xứ, để rồi khi Kỳ Đồng trở về, ngọn đèn lại vụt sáng như có phép màu.
NSND Vũ Ngọc Cải - Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết, việc dàn dựng vở diễn về danh nhân Nguyễn Văn Cẩm là một cái duyên.
Cách đây mấy năm, NSND Vũ Ngọc Cải có dịp đến thăm Nhà hát Chèo Bắc Giang và được đồng nghiệp ở đây dẫn đi thăm đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ngay tại Bắc Giang.
“Đền thờ cụ Cẩm ở Bắc Giang rất to và được người dân quanh đó vô cùng kính trọng. Trong khi đó, ở Thái Bình quê của gốc của cụ Cẩm không có đền thờ. Ngay cả nhân dân Thái Bình cũng ít người biết về thân thế, cuộc đời cụ. Con đường mang tên Kỳ Đồng xuất hiện ở thành phố Thái Bình chỉ khoảng 10 năm nay và không phải ai cũng biết cái tên đó có ý nghĩa gì”, NSND Vũ Ngọc Cải cho biết.
“Chính vì thế, Nhà hát Chèo Thái Bình nảy ra ý tưởng dựng một vở diễn về nhân vật Nguyễn Văn Cẩm – một danh nhân của quê hương. Chúng tôi ngồi nói chuyện với vợ chồng tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng thì được biết, trước đó cố tác giả Hoàng Luyện là thân sinh chị Xuân Hồng từng viết kịch bản về nhân vật Nguyễn Văn Cẩm” – NSND Vũ Ngọc Cải tiết lộ.
Từ kịch bản văn học của cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả Lê Thế Song đã chuyển thể sang Chèo. Theo tác giả Lê Thế Song, anh đã mất mấy năm trời tìm hiểu về cuộc đời của nhân vật đặc biệt này cũng như tìm cách chỉnh lý, chuyển thể kịch bản của bố vợ.
Tuy nhiên, một cái khó là những tư liệu về cụ Nguyễn Văn Cẩm, hầu như còn lại rất ít. Cụ chỉ sống ở quê hương Thái Bình khoảng hơn 10 năm, sau đó bị thực dân Pháp đưa sang học tại Paris. 9 năm sau, khi đã là một thanh niên, Nguyễn Văn Cẩm trở về quê hương.
Người thanh niên yêu nước, thương dân nghèo khốn khổ đã nhất quyết không làm việc cho Pháp mà lên vùng Yên Thế (Bắc Giang) lập cơ sở cách mạng. Người dân quê xưa kia vẫn gọi Cẩm là thánh, nay biết rõ tài năng và nhân cách của cậu đã tình nguyện theo con người tài ba ấy lên vùng rừng núi để nuôi ý chí đánh đuổi thực dân.
Dân làng xung quanh nhiều người theo cậu Nguyễn Văn Cẩm lên Yên Thế làm cách mạng rồi lập nghiệp luôn ở đó, không trở về Thái Bình nữa. Chính vì thế, tại Thái Bình cũng không còn hậu duệ của những người từng gặp gỡ quen biết cụ Cẩm nữa.
Dù khó, nhưng ê kíp sáng tạo vẫn quyết tâm hoàn thành một tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật. Có thể nói, những giọng ca Chèo đẳng cấp cộng với dàn đế, dàn nhạc chuyên nghiệp đã mang đến cho vở diễn “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” một vẻ đẹp sang trọng.
Diễn viên trẻ Trọng Khởi – người đóng vai Kỳ Đồng từ lúc nhỏ đến khi lớn đã phải ép mình giảm 6 kg chỉ trong vòng hai tháng để có được vóc dáng phù hợp.