“Vịt trời trúng độc” đến với khán giả Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 13:15 - 14/05/2016
Vở kịch rối dây “Vịt trời trúng độc” được Nhà hát rối dây Edo - Yukiza (Di sản văn hoá dân gian phi vật thể quốc gia của Nhật Bản và của Thủ đô Tokyo) hợp tác sản xuất với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam là một vinh dự . Phía Nhật bản đã chọn Nhà hát Tuổi trẻ- đơn vị nghệ thuật công lập của Việt Nam để làm đối tác. Vở kịch rối dây “Vịt trời trúng độc” đã được Asia Center- Trung tâm Châu Á thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Quỹ Văn hóa Lịch sử thủ đô Tokyo tài trợ cho việc dàn dựng từ tháng 3 năm 2015. Đến tháng 3/2016, vở kịch này đã có 6 buổi biểu diễn thành công ngoài mong đợi tại Nhà hát Metropolitan - Tokyo (Nhật Bản). Mặc dù, giá vé bán lên tới 5.500 Yên/ vé nhưng đã được bán sạch trước các buổi diễn và khán phòng thì chật cứng khán giả tới những giây cuối cùng.
Cảnh trong vở "Vịt trời trúng độc"
“Vịt trời trúng độc” do đạo diễn Sakate biên tập và dàn dựng,cùng kết hợp với họa sỹ thiết kế con rối nổi tiếng Tarakado Takayuki ,thiết kế ánh sáng Saito Shigeo,âm nhạc-trình diễn ngẫu hứng :nghệ sĩ Ota Keeisuke và nghệ nhân rối dây Yuki Magosaburo là một sự trình diễn kết hợp giữa người và rối, phỏng theo nguyên tác “Con vịt trời” của nhà soạn kịch nổi tiếng thế giới người Nauy- Henrich Ibsen. Theo đạo diễn Sakate , nội dung câu chuyện kịch được dẫn dắt trong sự đan xen giữa cảnh đoàn đưa tang đang lần mò trong khu rừng, tìm kiếm nghĩa địa chấp nhận cho mai táng thi hài của cô bé Hedvig đã tự sát, với những cảnh hồi tưởng quá khứ, tái diễn “những sự kiện đã dẫn tới cái chết của những sinh linh đã bị làm tổn thương”.
Hedvig là con gái của nhân vật người thợ ảnh Yamar và vợ là Gina. Bố của Yamar, ông lão Ekdal từng là bạn thân của thương gia giàu có Verle, nhưng đã suy kiệt vì bị phản bội và bỏ tù. Gregel, con trai của Verle miễn cưỡng trở về nhà sau 15 năm vắng mặt để xuất hiện trong bữa tiệc do bố mình tổ chức. Gregels biết được mọi bí mật trong quá khứ liên hệ với gia đình người bạn thân Yalmar. Với “yêu cầu của lý tưởng” mong muốn đạt được chính nghĩa, anh ta đã phanh phui mối quan hệ từng luôn giấu kín giữa hai gia đình. “Ở đó, có thể thấy sự so sánh giữa những sinh linh của tự nhiên hoang dã đang chết đi do bị nhiễm độc chì và việc săn bắn bởi bàn tay tàn bạo của con người, với chính con người – những đang kẻ hủy hoại- như một thông điệp khẩn gửi đến khán giả hôm nay !” - đạo diễn Sakate cho biết.
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, người đóng vai chính trong vở “Vịt trời trúng độc” chia sẻ: Trong vở kịch, nghệ sỹ Việt Nam vẫn nói tiếng Việt, phía bạn vừa điều khiển rối dây, vừa thoại bằng tiếng Nhật và sẽ có phụ đề tiếng Việt - Nhật trên sân khấu. Để hòa nhịp với các bạn diễn, thúc đẩy vở diễn thành công, mỗi người diễn viên đều phải nỗ lực hết sức thuộc lời thoại không chỉ của mình mà còn phải thuộc của các nhân vật khác. Chỉ có cách đó mới hiểu được tâm lí các nhân vật và có diễn suất hòa hợp với bạn diễn đúng theo tinh thần vở kịch…
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết: 25 thành viên của Nhà hát rối dây Edo - Yukiza (Nhật Bản) đã sang Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn lần này. Đặc biệt, sân khấu ở Việt Nam cũng được dàn dựng rất công phu, làm đúng như phiên bản ở Nhật Bản. Âm nhạc biểu diễn sống ngay trên sân khấu sẽ mang lại hiệu ứng đặc biệt cho vở diễn. Để có được chuyến biểu diễn 4 ngày tại Việt Nam, Nhà hát Edo - Yukiza đã được tài trợ 40.000 USD; Nhà hát Tuổi trẻ cũng huy động được 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để đưa nghệ thuật đỉnh cao đến công chúng yêu sân khấu… Hy vọng, trong thời gian tới hai nước sẽ còn nhiều dự án hợp tác về nghệ thuật sân khấu biểu diễn, hướng tới việc cùng xây dựng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật đỉnh cao, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cả hai dân tộc Nhật – Việt.