CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:55

Vĩnh Thịnh có thiếu đất trồng cỏ nuôi bò?

 

Một hộ nông dân tại thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh nuôi đàn bò sữa 3 con ngay sát khu sinh hoạt của gia đình đã 7 năm nay.

 

Báo động ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường, hiện quy mô đàn bò sữa tại huyện Vĩnh Tường đạt khoảng 7.500 con, trong đó, riêng xã Vĩnh Thịnh có 4.779 con, chiếm 64% đàn bò sữa của toàn huyện.

Theo ông Lê Văn Hoạt, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường, chăn nuôi bò sữa du nhập vào Vĩnh Tường từ năm 2000. Sau 17 năm phát triển, nuôi bò sữa vẫn đang là mô hình phát triển kinh tế tốt nhất, nếu so sánh với các mô hình phát triểncây mía, hay trồng cây Thanh hao hoa vàng làm dược liệu trước đó. Bởi các mô hình này chỉ phát triển được một thời gian, rồi tắt lịm do gặp khó khăn đầu ra.

Do chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, nên nuôi bò sữa đã thu hút rất đông hộ nông dân trên địa bàn tham gia chăn nuôi bò sữa.

Theo thống kê tại xã Vĩnh Thịnh có 2.500 hộ dân thì có đến 847 hộ chăn nuôi bò sữa, với quy mô đàn bò sữa mỗi hộ chỉ từ 5-7 con.

Mặc dù nuôi bò sữa vẫn đang là mô hình kinh tế hiệu quả, nhưng theo ông Lê Văn Hoạt, quy mô đàn bò sữa trong mỗi hộ gia đình thấp, việc chăn nuôi thiếu tập trung và được chăn nuôi ngay trong khu dân cư khiến mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh bắt đầu xuất hiện những bất cập, thiếu ổn định.

Cụ thể, vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh Thịnh hiện đáng báo động, do nguồn chất thải từ chăn nuôi bò sữa được xả thải ra ngay môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường khiến tuổi thọ đàn bò suy giảm nhanh, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do ô nhiễm môi trường.

 

Việc thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại xã Vĩnh Thịnh khiến nhiều người lo ngại địa phương thiếu đất trồng cỏ.

 

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, mới đây, UBND huyện Vĩnh Tường đã có đề án thí điểm tổ chức lại sản xuất, đưa đàn bò sữa ra khỏi khu dân cư đối với xã Vĩnh Thịnh.

Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, đề án thí điểm đưa đàn bò sữa ra khỏi du dân cư nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện theo hướng tăng cơ cấu lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng thời tiếp tục tăng quy mô đàn bò sữa trên địa bàn.

Theo ông Cường, Vĩnh Tường muốn tăng quy mô đàn bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh, song không thể tiếp tục tăng vì việc chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh hiện tập trung tại hộ gia đình và nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên, đề án phát triển đàn bò sữa, nâng cao chất lượng đời sống người dân lại gặp khó khăn từ chính người dân, vì người dân lo ngại việc phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khiến đất trồng cỏ nuôi bò không còn.

Không thiếu đất trồng cỏ, ngay cả khi quy mô đàn bò tăng gấp 3

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Triển, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh khẳng định: Xã Vĩnh Thịnh không thiếu đất trồng cỏ nuôi bò. Thậm chí, ông Triển cho rằng, quy mô đất trồng cỏ tại địa phương đủ đáp ứng thức ăn cho đàn bò sữa lớn gấp 3 lần hiện nay, ngay cả khi địa phương nhường đất phát triển dự án du lịch, dịch vụ.

Theo ông Triển, xã Vĩnh Thịnh có quỹ đất tự nhiên là 1.028 héc ta, trong đó, quỹ đất nông nghiệp là 633 héc ta. Trong quỹ đất nông nghiệp thì đất trồng lúa là 183 héc ta, đất trồng cỏ nuôi bò 195 héc ta, đất trồng ngô 85 héc ta, đất trồng chuối 25 héc ta và đất nuôi trồng thủy sản là 80 héc ta.

“Trong trường hợp nhường một phần quỹ đất nông nghiệp sang làm dự án du lịch, dịch vụ thì quỹ đất trông cỏ vẫn đáp ứng cho đàn bò sữa hiện tại. Thậm chí quỹ đất trồng cỏ vẫn còn đủ để đáp ứng nguồn thức ăn cho quy mô đàn bò lên đến 15.000 con, lớn gấp 3 quy mô đàn bò hiện nay trên địa bàn”, ông Triển nhấn mạnh.

Theo khẳng định của lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh, ngay cả khi nhường đất làm dự án du lịch, địa phương này vẫn còn đủ quỹ đất trồng cỏ nuôi đàn bò sữa quy mô 15.000 con, lớn gấp 3 lần đàn bò hiện nay, chứ không có chuyện thiếu đất trồng cỏ nuôi bò như nhiều người nghĩ.
 

Cũng theo ông Triển, cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Thịnh hiện nay cho thấy trồng cỏ nuôi bò vẫn có hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì thế, nếu tăng quy mô đàn bò sữa, địa  phương sẽ tìm cách hoán đổi diện tích đất trồng lúa, trông ngô sang trồng cỏ nuôi bò, nên việc nói Vĩnh Thịnh thiếu đất trồn cỏ nuôi bò là không có cơ sở. Để đưa đàn bò sữa ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và tăng quy mô đàn bò tại địa phương, Vĩnh Thịnh đã  quy hoạch 3 khu trang trại tập trung, cách khu dân cư tối đa chỉ 300 mét, quy mô mỗi khu có thể nuôi 5.000 con bò, với hệ thống chuồng trại, chăm sóc y tế đảm bảo.

Tuy nhiên, dù vấn đề ô nhiễm tại địa phương đã lên đến đỉnh điểm, việc thuyết phục người dân không tiếp tục chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư vẫn gặp khó khăn, thậm chí bị chính người dân phản đối.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh