Vĩnh Phúc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,37%/năm
- Tây Y
- 04:07 - 24/12/2016
Đó là chia sẻ với báo chí của ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, đã đặt nền móng cho Vĩnh Phúc “cất cánh”, phát triển như ngày nay.
Nền kinh tế của tỉnh có những bước phát triển vượt bậc
Ông Giang cho biết, Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng được tái lập ngày 1/1/1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí, thông tin chuỗi sự kiện diễn ra dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc
Ngay từ khi tái lập, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển.
Từ đó Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những quyết sách mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.
Năm 2009 thu ngân sách trên địa bàn vượt qua mốc 10 nghìn tỷ đồng và đến năm 2014 vượt trên 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2016 đạt 30,8 nghìn tỷ đồng (gấp 270 lần so với năm 1997), trong đó thu nội địa đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 ở miền Bắc sau thủ đô Hà Nội.
Ông Giang nhấn mạnh, nền kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt ở mức cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cao hơn cả nước.
Bình quân giai đoạn 1997- 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 15,37%/năm, trong đó ngành công nghiệp xây dựng tăng bình quân 23,9%, đưa quy mô nền kinh tế tăng tăng gấp gần 40 lần so năm 1997.
Giá trị thu nhập (GRDP- giá hiện hành) bình quân đầu người liên tục tăng, từ 2,18 triệu đồng/người năm 1997 lên 72,3 triệu đồng/người năm 2016.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thủy sản.
Đến năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc có cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng 61,9%; Dịch vụ 27,75% và nông lâm nghiệp thủy sản 10,35%. Đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ.
“Điểm sáng” thu hút đầu tư
Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư.
Là tỉnh đi đầu cả nước trong việc ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời thiết lập, vận hành cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành, địa phương với sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ một phần ba đến một nửa so với quy định, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân và được đánh giá cao thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố...
Do đó, các loại hình doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 884 dự án, gồm 231 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,56 tỷ USD; 653 dự án DDI với số vốn đăng ký 56,8 nghìn tỷ đồng và 7.394 doanh nghiệp dân doanh với số vốn đăng ký kinh doanh 56 nghìn tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến mạnh mẽ. Ngành giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường.
Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhân đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, đã giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lượt lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 12,5% năm 1997 lên 68% năm 2016.
Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Giang cũng cho biết, Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được tổ chức trọng thể vào tối ngày 28/12/2016 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.