THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:42

Vĩnh Phúc: Thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội

 

Công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh.

 Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2016 sẽ vượt xa kế hoạch đề ra, bởi trong nửa năm đầu này, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã đến Vĩnh Phúc tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ công nghệ cao. Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, công khai minh bạch thủ tục hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm tối đa chi phí không chính thức, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. 

Vĩnh Phúc là địa phương có nguồn lao động khá dồi dào, chiếm khoảng trên 60% tổng dân số. Trong đó chủ yếu là lao động trẻ, có kiến thức văn hóa và tinh thần sáng tạo để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt là phát triển công nghiệp đã trở thành môi trường nâng cao tay nghề cho người lao động. Không kể các trường dạy nghề do huyện, thị, thành phố quản lý, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với đội ngũ giáo viên hùng hậu và trên hàng chục ngàn học sinh theo học hàng năm, với số lượng học sinh tốt nghiệp hàng năm đều tăng. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 13.751 lao động, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Để đạt được những thành tựu quan trọng trên, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án đầu tư vào du lịch, dịch vụ, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Một trong những thành công nổi bật của tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua là luôn đồng hành với doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp là thành công và niềm tự hào của tỉnh, đồng thời xử lý triệt để những hạn chế, bất cập nảy sinh nhằm phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức độ cao, nền kinh tế của tỉnh ngày càng mở rộng về quy mô, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng và đã có lĩnh vực vượt chỉ tiêu đề ra. Đây được coi là tiền đề, nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc sớm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016. 

7 tháng đầu năm 2016, GDP tăng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc 7 tháng đầu nay tăng trưởng GDP có một số thuận lợi nhờ các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn đã phát huy được hiệu quả; đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài khả quan hơn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,5%; dịch vụ tăng 5,1%. Đặc biệt, nhờ chủ động khai thác, quản lý hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu ngân sách nên tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc tăng khá, đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2015. Trong đó, thu nội địa đạt 12.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ.

Một phần của Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hôm nay.

Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ở cả 3 khu vực. Trong đó khu vực Nhà nước nước tăng 16,5%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,87% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,86%. Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng như: Ô tô các loại tăng trên 9%, gạch ốp lát tăng gần 3%, gạch xây dựng tăng 11%, quần áo các loại tăng gần 22%...

Năm 2016, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 150 - 180 triệu USD từ dự án FDI và khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng từ dự án DDI. Nhờ cải thiện và nâng bậc chỉ số PCI, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là làm tốt hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, Vĩnh Phúc đã vượt xa mục tiêu thu hút vốn DDI và sắp đạt chỉ tiêu thu hút vốn FDI. Toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 14 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký 5.600 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với kế hoạch năm; 16 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 148,1 triệu USD. 

Với chất lượng sản phẩm tốt và sự chủ động khai thác, tìm kiếm các đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 802,3 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều duy trì được lượng hàng và đầu ra ổn định. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao so với cùng kỳ như: Hàng điện tử, chè, phụ tùng ô tô, đệm ghế ô tô, hàng dệt may...

Năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định triển khai đầu tư xây dựng 17 dự án trọng điểm, trong đó, có 11 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 và 6 dự án trọng điểm của năm 2016 với tổng vốn đầu tư lên tới 6.766 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư tập trung cho giao thông, văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, hạ tầng du lịch và y tế.

Với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã xây dựng một loạt các giải pháp chính sách về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua chính hoạt động của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thân thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nước ngoài nói riêng đang hoạt động trên địa bàn được xem là một cách hiệu quả để quảng bá về môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài các ưu đãi, Vĩnh Phúc đã thực hiện các chính sách giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ bằng một phần ba so với quy định chung của Nhà nước. Vì vậy, Vĩnh Phúc hôm nay đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ biết cách thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa đô thị và nông thôn; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Gắn phát triển kinh tế với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

HUY HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh