CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Vĩnh Phúc thực hiện đủ 12/12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP

Cụ thể, về chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỉnh đã thực hiện giảm đóng cho 3.667 đơn vị, doanh nghiệp, với số lượt lao động được giảm đóng 705.719 người, kinh phí gần 26 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đã giảm cho 05 doanh nghiệp, 678 người lao động với tổng số tiền hỗ trợ gần 4,659 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc là một trong số ít các địa phương đã thực hiện cả 12/12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68

Vĩnh Phúc là một trong số ít các địa phương đã thực hiện cả 12/12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68

Đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong số ít địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với số tiền 387 triệu đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã hỗ trợ cho 606 lao động, trong đó mang thai và nuôi con nhỏ là 395 người, số kinh phí hỗ trợ hơn 2,642 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 1.379 người và 457 người lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi, số tiền hỗ trợ 2,489 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã phê duyệt 15 hồ sơ của người lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 70 triệu đồng.

Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, đã hỗ trợ cho  55.812 người, số tiền gần 9,8 tỷ đồng. Trong đó, Sở Y tế thực hiện hỗ trợ 2.664 trường hợp, kinh phí trên 3,557 tỷ đồng; Trung đoàn 834 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và các chính sách của tỉnh như, Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND là 52.745 lượt người, với kinh phí hỗ trợ hơn 5,81 tỷ đồng; UBND các huyện, thành phố hỗ trợ 412 người, tổng số tiền hỗ trợ 430.418.000 đồng (gồm hỗ trợ thêm đối với trẻ em điều trị Covid-19, cách ly y tế (F0, F1) cho 384 trường hợp, số tiền 384 triệu đồng; hỗ trợ người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (F0, F1) cho 28 người, số tiền hơn 46,4 triệu đồng).

Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 26 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch với kinh phí  96,46 triệu đồng; hỗ trợ cho 674 hộ kinh doanh với số tiền 2,022 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 03 doanh nghiệp, vay vốn số tiền 654.640.000 đồng, gồm: 02 doanh nghiệp vay vốn: trả lương ngừng việc, số tiền gần 545 triệu đồng; 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh với kinh phí 109.760.000 đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP, tỉnh Vĩnh Phúc đã chi trả cho 6.626 người lao động, kinh phí gần 10 tỷ đồng. Bao gồm: Vĩnh Yên 559 người, Lập Thạch 1.019 người, Sông Lô 581 người, Yên Lạc 570 người, Bình Xuyên 1.089 người, Vĩnh Tường 236 người, Tam Đảo 86 người, Phúc Yên 1.256 người, Tam Dương 1.230 người).

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ cho 33.844 lao động, với số tiền gần 85,722 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục hướng dẫn, tư vấn kịp thời để doanh nghiệp và người lao động nắm rõ chính sách, quy trình, thủ tục hồ sơ, không lúng túng trong xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Thường xuyên trao đổi, nắm bình tình hình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của địa phương; kịp thời tiếp nhận, giải đáp các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương. Đồng thời chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp. Xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương lân cận trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng Covid-19…

AN NHIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh