THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Vĩnh Phúc tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

Theo đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể: Về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%. 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Về truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, phấn đấu 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Về đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, 100% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; 90% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 2%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cơ sở, lập kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống.

Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình, sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng các phương thức thông tin tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, giáo dục hỗ trợ quyền trẻ em phù hợp với từng địa phương, cộng đồng, dân tộc.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giảng viên nguồn các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm khảo sát về lao động trẻ em…

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; quy trình, mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; can thiệp trẻ em có nguy cơ lao động trái pháp luật, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em theo thẩm quyền…

MINH ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh