THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:58

Vĩnh Phúc: Nhiều điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi

Một buổi giao dịch cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô Vĩnh Phúc.

Một buổi giao dịch cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô Vĩnh Phúc.

Khi nông dân được trang bị “cần câu”

Một trong những gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi là gia đình ông Nguyễn Văn Lưu ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Thuộc diện hộ nghèo, song với ý chí vươn lên, gia đình ông muốn có thêm vốn ưu đãi để cải tạo vườn, nuôi bò sinh sản, hiện gia đình có 10 con bò các loại và 4 mẫu vườn cây ăn quả chuẩn bị cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Lưu được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Lô cho vay 50 triệu đồng với mục đích vay giải quyết việc làm. Với số vốn ít ỏi trong tay, gia đình ông đã cần mẫm lao động vươn lên từ hộ nghèo và sự nỗ lực không ngừng của bản thân và gia đình, đến năm 2022, gia đình ông Lưu đã vươn lên thoát nghèo.

Tương tự như gia đình anh Đặng Văn Thanh, ở thôn Tân Cương xã Ngọc Mỹ huyện Lập Thạch cũng là một trong những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Thanh cho biết, gia đình anh có nuôi lợn nái, lợn thịt nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ nên quanh năm chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Vì thế anh tâm niệm phải cố gắng làm giàu bằng cách mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cùng vốn vay giải quyết việc làm là 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lập Thạch, năm 2019, anh đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thịt, mỗi năm xuất bán được hơn 50 tấn lợn thịt

Có thêm vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Lưu vươn lên thoát nghèo.

Có thêm vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Lưu vươn lên thoát nghèo.

Còn ở thôn Con Voi, xã Vân Trục huyện Lập Thạch, ai cũng ngợi khen gia đình bà Tạ Thị Thanh, một trong những tấm gương điển hình về thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vốn xuất thân từ “con nhà nông”, quanh năm chỉ biết cấy hái, chăn nuôi, song do nguồn vốn không có nên chị cũng chỉ biết làm ăn nhỏ lẻ…Được vay vốn từ chương trình hộ mới thoát nghèo, có điều kiện cải tạo vườn đồi, trồng 5ha bạch đàn, chăn nuôi gia súc Nhờ đó, đến nay gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để, nuôi con cái ăn học trưởng thành.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay được hơn 520 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 10.500 tỷ đồng. Nhờ vốn vay ưu đãi đã giúp gần 70 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 131 nghìn lao động, hơn 70 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hơn 3.300 lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, hơn 5.000 ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa, xây mới…. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, với vai trò là công cụ tài chính đặc lực góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cho vay hộ mới thoát nghèo là một nội dung trong những chương trình tín dụng chính sách có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các hộ dân. Chương trình đã kịp thời tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Đặng Văn Thanh đầu tư trang trại lợn thịt

Gia đình anh Đặng Văn Thanh đầu tư trang trại lợn thịt

Chia sẻ về công tác cho vay vốn ưu đãi trên địa bàn, Giám đốc Phòng giao dịch huyện Sông Lô Nguyễn Văn Bảy cho biết, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã thực sự phát huy vai trò, tác động tích cực về mặt đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tính đến nay, toàn huyện đã giải ngân chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo đạt hơn 439.055 triệu đồng, tăng 10,68% so với đầu năm 2023 qua đó đã thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao thu nhập, hàng năm giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo một cách bền vững, không bị tái nghèo.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tập trung rà soát, thống kê số hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn, để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các đối tượng chính sách. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tạ Ngọc Thảo cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giao trách nhiệm cho từng phòng, ban, các Phòng giao dịch để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đến nay, công tác đảm bảo nguồn vốn vay, công tác cho vay đều đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Việc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp nhiều hộ vay vốn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Cũng theo Giám đốc Tạ Ngọc Thảo, nhìn chung, thông qua các hội, đoàn thể, nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích và trở thành “cần câu” cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ nguồn vốn vay, người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh; cùng với sự cần cù, chịu khó, họ làm ăn có lãi, trả nợ ngân hàng để đơn vị tiếp tục giúp các hộ nghèo khác trên địa bàn có chiếc “phao” cứu sinh trong phát triển kinh tế… Ngoài vay vốn phát triển kinh tế, các hộ dân ở còn được vay vốn để làm công trình vệ sinh, nước sạch, đảm bảo môi trường sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, không ít hộ đã trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; góp sức không nhỏ trong phong trào xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.   

Vườn đồi 5ha cây bạch đàn của gia đình bà Tạ Thị Thanh.

Vườn đồi 5ha cây bạch đàn của gia đình bà Tạ Thị Thanh.

 Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong những năm tiếp theo, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, quan tâm chủ yếu vào một số nội dung về bổ sung vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và các hoạt động của các hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh