CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:04

Vĩnh biệt Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung

 

Nhà văn Nguyễn Chí Trung (trái) tặng tiểu thuyết 'Tiếng khóc của nàng Út' cho độc giả H.Tây Trà, Quảng Ngãi ẢNH: Trần Đăng
Nếu ta có thể gọi ai đó là “nhà văn - chiến sĩ” thì nhà văn Nguyễn Chí Trung hoàn toàn xứng đáng với danh xưng này. Là người đã đi qua trọn vẹn 3 cuộc chiến tranh: chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh chống bọn diệt chủng Pol Pot, Nguyễn Chí Trung là một chiến sĩ dũng cảm, một nhà văn của nhân dân, và là một người anh chí tình của rất nhiều nhà văn trẻ thời chống Mỹ, nhất là các nhà văn khu Năm.
Những kỷ niệm ấm tình đồng đội, tình yêu thương giữa những người cầm bút vì lý tưởng độc lập tự do luôn được nhiều nhà văn nhà thơ kể lại, trong đó nổi lên hình ảnh người lính Cụ Hồ Nguyễn Chí Trung qua suốt hành trình từ chiến tranh tới hòa bình. Tôi là một trong những nhà thơ trẻ sau chiến tranh được nhà văn Nguyễn Chí Trung - lúc ấy là Phó trại sáng tác văn học Quân khu Năm - xin về trại khi tôi đang an dưỡng ở miền Bắc, và đó là cơ hội vàng cho tôi phát huy được hết khả năng sáng tác của mình.
Nếu trong chiến tranh, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã từng quyết liệt trưng thu gạo để cứu cả một làng đang đói, đã trực tiếp dẫn một xã đội trưởng bò vào căn cứ của địch để trinh sát, đã từng ngang dọc và chịu thương tích ở chiến trường Campuchia đầy nguy hiểm, thì trong hòa bình, ông đã tận lực tận tình tạo mọi điều kiện có thể cho rất nhiều nhà văn trẻ để có tác phẩm văn học.
Tôi cũng là người được hưởng lợi từ sự quan tâm đầy tình cảm vô tư vì văn học của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Sống ở đời, không ai là thập toàn là hoàn hảo cả, nhưng những gì nhà văn Nguyễn Chí Trung đã cống hiến trong suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp giành độc lập cho Tổ quốc là lớn lao và thực sự đáng kính trọng.
Dù tự nhận mình là người chăm lo việc “bếp núc” phục vụ cho các nhà văn khác sáng tác, nhưng nhà văn Nguyễn Chí Trung trong chiến tranh chống Mỹ đã từng có truyện vừa Bức thư làng Mực nổi tiếng, và sau ngày hòa bình ông lại có tiểu thuyết Tiếng khóc của Nàng Út nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn VN, Giải thưởng văn học ASEAN và Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Vào năm cuối cuộc đời, ông vẫn miệt mài viết bộ tiểu thuyết về cuộc chiến tranh chống nạn diệt chủng ở Campuchia, cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia như một người lính. Cũng giống như hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ mà ông từng tham gia như một người lính chiến thực thụ.
Tôi muốn nói ở đây lời vĩnh biệt người lính Nguyễn Chí Trung, trước khi vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Chí Trung, một người đã chiến đấu suốt đời “vì nhân dân quên mình - vì nhân dân hy sinh”. Cầu mong ông an nghỉ!

 

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh năm 1930 tại Hòa Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông tham gia cách mạng từ 1945, nhập ngũ năm 1946, chiến đấu ở nhiều chiến trường trong kháng chiến chống Pháp.
Ông từng là thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ giải phóng quân, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Cơ quan Bộ Quốc phòng hướng tây nam, Trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu...
Một số tác phẩm của ông: Đà Nẵng (bút ký, 1950), Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964), Hương cau (truyện ngắn, 1975), Khi dòng sông ra đến cửa(truyện ngắn, bút ký, 1981), Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, 2007), Đối thoại trong đêm (tiểu thuyết, 2011)... Tiểu thuyết đầu tay Tiếng khóc của nàng Út đã nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2008, Giải thưởng văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan trao tặng năm 2012.
Năm 2013, ông được trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Thanh Thảo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh