Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 722 triệu USD
- Huyệt vị
- 22:30 - 14/02/2020
Theo ông Takeo NAKAJIMA, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội, một chương trình khảo sát của JETRO về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam vừa thực hiện cho thấy, hiện có 63,9 % doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi “có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam” đứng đầu trong các nước ở ASEAN.
Chương trình này được khởi đầu từ năm 1987, đến nay là lần khảo sát thứ 33. Qua Khảo sát lần này đã sáng tỏ thêm nội dung mà cả hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt qua đó đã khẳng định các Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Đáng lưu ý năm 2019 số lượng các dự án đầu tư của Nhật Bản đăng ký tăng mức cao nhất từ trước đến nay với 655 dự án, lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng, nhất là các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam có quá trình lâu dài trên 10 năm.
Tuy nhiên, một số điểm mà các doanh nghiệp nghiệp Nhật bản quan ngại là: Chi phí nhân công của Việt Nam ngày càng tăng, thủ tục hành chính dù đã được giảm đi đáng kể so với trước những vẫn cần phải được cải tiến hơn nữa, tỷ lệ nội địa hóa vẫn giữ ở mức 36,3 % mặc dù chỉ số tự động hóa trong sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác là 18,2%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 39,9 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2018; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt 20,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản năm 2019 đạt 19,5 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2018. Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 722 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính: hàng dệt may (đạt 4 tỷ USD, tăng 4,7%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,6 tỷ USD, tăng 4,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 1,94 tỷ USD, tăng 5,6%); hàng thủy sản (đạt 1,46 tỷ USD, tăng 5,8%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,33 tỷ USD, tăng 15,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,03 tỷ USD, tăng 26,5%); giày dép các loại (đạt 973,5 triệu USD, tăng 14,2%).
Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 4,7 tỷ USD, tăng 5,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,6%); sắt thép các loại (đạt 1,36 tỷ USD, giảm 14,6%), sản phẩm từ chất dẻo (đạt 841,3 triệu USD, giảm 3%); vải các loại (đạt 820 triệu USD, tăng 8,5%); linh kiện, phụ tùng ô tô (đạt 721,6 triệu USD, giảm 7,7%).
Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.
Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.