Việt Nam với cơ hội chủ nhà AFF Cup 2020 rất lớn
- Văn hóa - Giải trí
- 13:53 - 05/06/2020
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho hay, AFF khẳng định rằng trước mắt, theo lịch, AFF Cup 2020 vẫn diễn ra từ ngày 23-11 đến 31-12, tuy nhiên không loại trừ khả năng có những thay đổi và điều này tạo cơ hội cho Việt Nam (VN) có thể trở thành ứng viên sáng giá cho chủ nhà AFF Cup 2020.
Ngoại trừ VN đã khống chế dịch bệnh tốt, bóng đá nội địa đã trở lại, còn lại các nước Đông Nam Á khác vẫn còn giãn cách xã hội. Chính điều này không loại trừ khả năng nếu VN có ý đăng cai AFF Cup 2020 sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác tổ chức giải đấu hàng đầu Đông Nam Á.
AFF cho biết không loại trừ khả năng AFF Cup 2020 sẽ trở lại kiểu thi đấu hai quốc gia đăng cai hai bảng đấu, rồi vào bán kết, chung kết mới đá sân nhà - sân khách, tức giống thể thức các kỳ AFF Cup 2014, 2016.
Và cũng không loại trừ khả năng toàn giải AFF Cup 2020 sẽ chỉ tổ chức ở một quốc gia như VN từng đăng cai năm 1998 nhằm hạn chế mức độ nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh.
Và tất nhiên, một khi như thế thì VN trở nên sáng cửa để đăng cai AFF Cup 2020 vì hiện nay tình hình khống chế dịch bệnh ở VN tốt nhất Đông Nam Á. Song song đó, việc quả bóng nội địa lăn trở lại trong những sân có khán giả đã tạo ấn tượng lớn với AFF và cả những nhà tài trợ cho AFF Cup.
Còn tờ An ninh Thủ đô đưa tin, Tại AFF Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) lần đầu áp dụng thể thức mới. Theo đó, các đội cùng bảng sẽ bốc thăm để xác định 2 trận được thi đấu sân nhà, 2 trận phải thi đấu sân khách. Các vòng bán kết, chung kết tiếp tục áp dụng thể thức một trận sân nhà, một trận sân khách.
Thể thức này nhằm lan tỏa giải đấu tới nhiều thành phố lớn, tạo cơ hội cho khán giả các nước Đông Nam Á có cơ hội trực tiếp tới sân thưởng thức bóng đá và cổ vũ đội nhà. Con số thống kê 752.945 lượt người vào xem các trận đấu mùa giải 2018 đã cho thấy sự thành công của thể thức này.
Ban tổ chức dự định sẽ tiếp tục áp dụng thể thức trên tại AFF Cup 2020, tuy nhiên sự xuất hiện của dịch Covid-19 làm dấy lên lo ngại về việc lây nhiễm nếu các đội bóng phải liên tục di chuyển qua nhiều quốc gia trong bối cảnh một số nước ở Đông Nam Á chưa khống chế được dịch.
Tình hình này buộc ban tổ chức phải tính đến thay đổi thể thức thi đấu, quay về thể thức cũ đó là chọn 2 quốc gia đăng cai 2 bảng đấu ở vòng bảng, sau đó duy trì thể thức sân nhà/ sân khách từ vòng bán kết; hoặc tổ chức các trận đấu vòng bảng tại một quốc gia.
Đây là thể thức quen thuộc từng áp dụng các kỳ AFF Cup trước. Nếu áp dụng trở lại thể thức này, các đội sẽ không phải di chuyển nhiều, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hạn chế nguy cơ giải bị hoãn giữa chừng (do có cầu thủ nhiễm Covid-19, hoặc quốc gia đăng cai không đảm bảo được các yêu cầu phòng dịch) và có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Hiện ngoài việc khẳng định lịch thi đấu vòng chung kết không thay đổi, AFF vẫn chưa công bố chính thức thời điểm bốc thăm chia bảng (thường là vào tháng 7), cũng như áp dụng thể thức nào cho mùa giải năm nay.
Tuy nhiên nếu quay trở lại thể thức thi đấu cũ, đương kim vô địch Việt Nam nhiều khả năng sẽ được chọn là chủ nhà vòng bảng nhờ hội tụ nhiều yếu tố ưu tiên như điều kiện an ninh, sân bãi, kinh nghiệm tổ chức và đặc biệt, Việt Nam hiện là quốc gia phòng, chống và kiểm soát dịch tốt nhất Đông Nam Á.