Việt Nam: Thành viên tích cực trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:42 - 17/12/2015
Hướng tới con người
Trong văn kiện tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12/2007, đã đề cập đến ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể cộng đồng ASEAN nói chung.
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia, người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi có cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”, nhằm bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.
Thực hiện mục tiêu của cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 với 40 hợp phần, 339 dòng hành động cụ thể được triển khai trên 6 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Phát triển con người; phúc lợi và bảo hiểm xã hội; bình đẳng xã hội và các quyền; bảo đảm bền vững về môi trường; xây dựng bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách trụ cột văn hóa – xã hội của 10 nước ASEAN tại hội nghị cộng đồng văn hóa xã hội lần thứ 14.
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 đã được các nước thực hiện một cách tích cực và có trách nhiệm với 99% các dòng hành động đã được giải quyết, góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội trong khu vực, cụ thể như: Hợp tác khu vực được tăng cường; giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực ở một số nước thành viên ASEAN (AMS); cải thiện sức khỏe và giáo dục; gia tăng chất lượng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu lao động khu vực và toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các phong cách sống tích cực...
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng sẽ được thành lập vào ngày 31/12/2015, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 đã được xây dựng và hoàn thiện. Nội dung của kế hoạch cơ bản dựa trên kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN giai đoạn 2009 – 2015. Theo đó, kế hoạch tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường, hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”.
Nỗ lực và trách nhiệm
Tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN giai đoạn 2009 – 2015, Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ.
Năm 2013, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực vào nhóm công tác về đánh giá giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN cấp khu vực, mà còn đánh giá thành công việc thực hiện ở cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2014 - 2015, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhóm công tác đặc trách cấp cao của cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN nhằm thực hiện các khuyến nghị của báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng tầm nhìn đến năm 2025 và kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN đến năm 2025. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án thực hiện các mục tiêu của cộng đồng văn hoá – xã hội ASEAN đến năm 2025.
Trong khuôn khổ hợp tác về lao động, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả ngay từ khi mới tham gia thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Các sự kiện nổi bật mà Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công như Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 12 năm 1998 và lần thứ 21 năm 2010; Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 5 năm 2004 và lần thứ 10 năm 2014, Hội nghị phát triển nguồn nhân lực lần thứ 2 vào tháng 5/2010.
Việt Nam cũng đã và đang có nhiều nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mở rộng thị trường lao động trong các nước ASEAN; tăng cường công nhận tay nghề giữa các nước ASEAN; phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình công tác của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2010 - 2015”; thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Trong lĩnh vực hợp tác, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, Việt Nam là một trong những nước có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, qua đó khẳng định tính chủ động, tích cực của một thành viên trong ASEAN, với các hoạt động nổi bật như: Sáng kiến thành lập, tham gia và thúc đẩy hoạt động của Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC); triển khai các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Ủy ban về phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2011 - 2015 mà Việt Nam là đầu mối; tổ chức thành công sự kiện lễ thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN ngày 22/4/2014 tại Hà Nội...
Cơ hội và thách thức
Khi cộng đồng ASEAN hình thành, những cơ hội về lao động và xã hội có thể nhận thấy rõ như cơ hội về việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến hoạt động do Việt Nam đề xuất.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN trong hoạt động của Cộng đồng văn hóa – xã hội, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia và tiếng nói đồng đều của Việt Nam trong tất cả các cơ quan chuyên ngành, các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên. Đồng thời, song song với tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN nói riêng và về ASEAN nói chung, cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam.
Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như tiến gần hơn tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.