THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:46

Việt Nam sẽ trang bị tên lửa Israel cho F-16 mua từ Mỹ?

 

Tiêm kích F-16 của Không quân Israel

Bên cạnh máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion, tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon được đánh giá nhiều khả năng sẽ trở thành vũ khí tiếp theo Việt Nam đặt mua từ Mỹ, vì xét tổng hợp các yếu tố giá thành cũng như tính năng, đây là ứng viên sáng giá nhất để thay thế cho MiG-21 mới nghỉ hưu.

Tiêm kích F-16C Block 50 Plus

Nếu ý tưởng trên trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều rào cản không hề đơn giản. Ngoài cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo trì bảo dưỡng, cơ chế phối hợp thông tin tác chiến với máy bay xuất xứ từ Nga... thì vũ khí đi kèm cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Các loại tên lửa không đối không đang có trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam như R-77, R-27 hay R-73 chắc chắn không thể tích hợp trên F-16, cho nên chúng ta sẽ phải lựa chọn mua kèm vũ khí của Mỹ hoặc một nước thứ ba.

Khoản kinh phí dự trù cho việc này sẽ là rất lớn, do đơn giá tên lửa AIM-120D AMRAAM lên tới 1,5 triệu USD/quả, trong khi AIM-9X Sidewinder là 650.000 USD/quả. Do vậy, khả năng cao là Việt Nam sẽ triển khai một giải pháp hiệu quả hơn.

Tên lửa Derby và Python-4 trên tiêm kích F-16 của Không quân Israel

Theo số liệu từ báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã đặt mua tới 125 quả tên lửa Python-5 và 125 quả Derby để trang bị cho hệ thống tên lửa phòng không SPYDER-SR, toàn bộ đã được chuyển giao trong năm 2012.

Bên cạnh chức năng tên lửa đất đối không, đây còn là vũ khí không chiến chủ lực của các tiêm kích thuộc Không quân Israel, dễ dàng tích hợp vào F-16 cũng như các nền tảng máy bay chiến đấu của phương Tây.

Tên lửa Python-5 là "sát thủ trong tầm nhìn" hàng đầu thế giới hiện nay nhờ cơ chế LOAL (Khóa mục tiêu sau khi phóng - Lock-on after launch) thông qua camera hồng ngoại kết hợp với cảm biến quang điện tích hợp vào đầu dò. Tính năng của Python-5 không hề thua kém AIM-9X trong khi đơn giá chỉ là 500.000 USD/quả.

Tương tự như vậy, Derby là tên lửa không đối không tầm trung được thiết kế để không chiến ngoài tầm nhìn với đầu dò radar chủ động độ phân giải cao, năng lực tác chiến của Derby có thua kém AIM-120D một chút nhưng giá thành cũng rẻ hơn, ước vào khoảng 1,2 triệu USD/quả.

Ngoài cơ số đạn đủ dùng cho trực chiến của hệ thống SPYDER, một phần số lượng tên lửa dự trữ hoàn toàn có thể được Việt Nam huy động sang phục vụ tiêm kích F-16.

Tên lửa Python-5 và Derby trang bị cho hệ thống phòng không SPYDER

Ngoài ra, còn một yếu tố khả quan nữa cần được nhắc đến, đó là phía Israel luôn tỏ ra sẵn sàng chuyển giao công nghệ để các nước đối tác tiến hành sản xuất hai loại tên lửa trên, ví dụ tiêu biểu là Trung Quốc đã chế tạo thành công biến thể PL-8 dựa trên nguyên mẫu Python-3.

Với cơ số lớn đã mua dành cho SPYDER-SR và tiếp theo có thể là phiên bản tầm trung Python-5MR cùng Derby-MR, viễn cảnh Việt Nam nhận được dây chuyền và giấy phép sản xuất loại đạn đối không này tương tự như trường hợp Galil ACE là khá cao.

Không loại trừ khả năng trong tương lai, hai loại tên lửa trên sẽ là chủ lực mới của Không quân Nhân dân Việt Nam. Khi đó ngoài tiêm kích F-16, biết đâu chúng còn được sửa đổi phần mềm để tích hợp lên cả Su-27/30!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh