CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Nghịch lý chiến tranh Việt Nam: 3 vũ khí thô sơ hạ hàng loạt máy bay Mỹ

 

Khung cảnh nhìn từ khoang của một trực thăng UH-1 trong chiến tranh Việt Nam . Ảnh: Airspacemag.com.

 

Chống đổ bộ bằng mìn tự chế

Việc tận dụng lại các loại bom đạn chưa phát nổ của Mỹ để tự chế thành vũ khí đánh Mỹ đã trở thành phổ biến ở Việt Nam. Nhưng để chế tạo thành vũ khí hạ máy bay đang bay thì có lẽ ít người hình dung được.

Vào ngày 13/4/1969, trong một trận đánh ở ấp 5 xã Long Mỹ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, mìn tự chế đã hạ gục 5 chiếc trực thăng Mỹ.

Mìn được đặt trên giá cách mặt đất 0,7 m, chốt an toàn của mìn được nối với 4 sợi dây dài 25 m và căng ra 4 hướng khác nhau. Mỗi quả bố trí cách nhau 50 m, cứ 3 quả tạo thành 1 cụm.

Để đủ lực giật chốt an toàn, trên các sợi dây được buộc thêm các tàu lá chuối. Vị trí bố trí được chọn là những nơi Mỹ có khả năng đổ bộ quân bằng trực thăng.

 

Đổ bộ bằng trực thăng là chiến thuật được Mỹ áp dụng phổ biến trong chiến tranh Việt Nam.

 

Đúng như dự đoán, vào ngày 13/4/1969, khi trực thăng Mỹ đổ quân, cánh quạt trực thăng tạo gió mạnh giật các tàu lá, khiến cho 1 cụm mìn nổ. Kết quả 2 chiếc trực thăng bị rơi, 2 chiếc bị thương. Sau đó một chiếc khác đến để chở lính Mỹ bị thương lại làm 1 cụm khác nổ và khiến nó bị rơi.

Tổng thiệt hại 5 máy bay trực thăng và 52 lính Mỹ chưa kịp đặt chân xuống đất đã bị tiêu diệt theo cách không ai ngờ tới.

Cách đánh trực thăng đơn giản nhưng tiêu diệt nhiều giặc được phổ biến ra toàn tỉnh Bến Tre. Đồng chí Nguyễn Văn Chồn - tác giả của hệ thống phòng không đánh địch đổ bộ "có một không hai" - được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Ở nhiều nơi khác, du kích đặt mìn ở bãi trống, nơi trực thăng đổ quân, dây gài mìn buộc vào cành cây con hoặc nón lá, mảnh bìa. Khi máy bay hạ cánh quạt gió làm cành cây lay động, làm bung nón bìa, kéo chốt gài làm nổ mìn.

Du kích Hòa Minh (Quảng Đà), Bình Trung (Quảng Ngãi) làm “bù nhìn” để nhử máy bay địch, đặt mìn bên cạnh, dây gài buộc vào bù nhìn. Trực thăng vũ trang hạ cánh xuống đất làm mìn nổ, máy bay bị phá hủy.

Phòng không bằng mìn định hướng

Một hệ thống phòng không không kém phần độc đáo và đã lập được nhiều chiến công đó là mìn định hướng.

Tháng 9/1967, quân Mỹ sử dụng máy bay HU-1A (tên ban đầu của UH-1A, đổi tên năm 1962) để lùng sục nơi đóng quân và căn cứ của ta. Thấy những chỗ cây cối rậm rạp là chúng bay xuống thấp, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, lập tức hàng loạt rốc-két, súng máy bắn ra lia lịa. Những cuộc càn quét kiểu này của địch đã gây cho ta không ít tổn thất. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tiêu diệt được máy bay đich để chúng không dám nghênh ngang nữa.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Cam Mỹ (Cam Lộ, Quảng Trị) Nguyễn Minh Kỳ đã cùng các anh em du kích xã nghiên cứu địa hình, dự kiến được những vị trí trực thăng Mỹ có thể lùng sục.

Du kích của xã đã gài ba quả mìn định hướng vào các thân cây có độ cao từ 7m đến 10m, kéo dây mìn về ba phía rồi cột giằng các cành cây với nhau. Sau đó, họ đốt lửa nghi binh dưới gốc cây. Khi khói bốc lên, 3 chiếc máy bay trực thăng UH-1A bay đến, lùng sục xung quanh đống lửa. Một chiếc bay sà xuống gần tán cây. Các cành cây bị gió thổi giật chốt an toàn 3 quả mìn định hướng.

Chiếc UH-1A trúng mìn bốc cháy và rơi xuống điểm cao 137 ở phía bắc Đường 9. Sau trận này, các trực thăng Mỹ không còn dám nghênh ngang lùng sục như trước nữa.

 

Trực thăng vận tải CH-47 của Mỹ tải một trực thăng UH-1 bị hư hỏng về nơi sửa chữa trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Thêm một chiến công nữa của hệ thống phòng không bằng mìn định hướng nữa đó là vào ngày 7/7/1972 tại Quảng Nam đã “bắn rơi” một trực thăng.

Qua nhiều lần quan sát và nắm rõ quy luật trực thăng địch hoạt động ở Gò Nối (Điện Bàn) và huyện Duy Xuyên về, thường bay dọc sông La Thọ, Cổ Cò (thuộc thôn Thống Nhất, xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) để trinh sát. Một tổ du kích xã Điện An do đồng chí Thái Bá Điền chỉ huy đã dùng mìn ĐH10 bố trí trên ngọn cây dọc sông La Thọ để đánh địch.

Khi chiếc trực thăng đi đầu trong tốp 3 chiếc thấy trên ngọn cây khả nghi liền giảm tốc độ và hạ thấp độ cao để quan sát. Chờ máy bay địch vào tầm, du kích điểm hỏa mìn, một tiếng nổ vang lên, chiếc trực thăng bốc cháy rồi đâm đầu xuống đất, hai chiếc còn lại hoảng sợ quay đầu bỏ chạy.

Khinh khí cầu vít cổ giặc Mỹ ở miền Bắc

“Bắn rơi” trực thăng Mỹ bằng “hệ thống mìn phòng không” đã đặc biệt nhưng dùng khinh khí cầu vít cổ máy bay cánh quạt và phản lực Mỹ lại càng đặc biệt hơn.

Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam với sự tham gia của nhiều loại máy bay khác nhau.

Hòng vượt qua hệ thống phòng không nhiều tầng lớp của Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Trong đó, phương án bay thấp men theo địa hình, cửa sông để tránh các phương tiện trinh sát phòng không được sử dụng khá phổ biến.

Nhưng chúng không ngờ rằng trong một cuộc chiến tranh điện tử được đánh giá là hiện đại và phức tạp nhất lịch sử thế giới lại tồn tại một loại hệ thống phòng không hết sức thô sơ là bẫy khinh khí cầu.

Đại đội 15 công binh dù thuộc Lữ đoàn dù 305 được giao nhiệm vụ bố trí bãi vật cản trên không (cụ thể là bóng và khinh khí cầu có gắn mìn định hướng), để buộc máy bay Mỹ phải nâng tầm, bay cao cho lực lượng PK-KQ ta dễ dàng phát hiện và tiêu diệt.

Sau khi nghiên cứu và chọn lựa các vị trí máy bay địch bay với độ cao thấp. Các quả bóng khinh khí cầu gắn mìn định hướng được bơm lên và thả quanh các vị trí này.

Máy bay địch khi đi qua bãi vật cản sẽ kéo vào bóng hoặc dây làm nối mạch điểm hỏa mìn MTK.

Bằng cách không ai ngờ tới như thế này, Việt Nam đã tiêu diệt được 3 máy bay Mỹ, một ở Ninh Bình (1967), một ở dọc sông Hồng (1966) và một ở Quảng Trị (1966).

 

Máy bay AD-6 của Mỹ đã từng bị bãi mìn trên trời hạ gục

 

Nghịch lý máy bay Mỹ bị tiêu diệt bởi những hệ thống phòng không thô sơ

Trước hết phải thẳng thắn rằng những hệ thống phòng không của Việt Nam thời chống Mỹ (như bằng mìn định hướng hay bằng khinh khí cầu) là cực kỳ thô sơ. Nhưng tại sao chúng vẫn tiêu diệt được máy bay Mỹ?

Câu trả lời có lẽ là tại người Mỹ đã quá mạnh và quá tự tin vào sự vượi trội các phương tiện quân sự của mình.

Sự vượt trội đã khiến cho máy bay của họ nghênh ngang xuất hiện với số lượng dày đặc trên bầu trời Việt Nam. Và chính sự vượt trội này đã khiến họ đánh giá thấp khả năng sáng tạo trong gian khổ, thiếu thốn của con người Việt Nam.

Không chỉ các hệ thống phòng không "có một không hai” này mà còn nhiều bài học khác nữa trong chiến tranh Việt Nam đã giúp người Mỹ nhận ra một điều rằng:

Với khát khao hòa bình, độc lập mãnh liệt và tinh thần cần cù, sáng tạo, dân tộc Việt Nam có thể làm được nhiều điều thần kỳ.

theo Quyết Thắng/soha/Thế giới trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh