THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

Việt Nam sẽ ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem

Chỉ sử dụng vắc xin Quinvaxem cho trẻ đến hết tháng 5

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5 tới trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất thay thế vắc xin của Ấn Độ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đang cân nhắc phương án này. Theo WHO, vắc xin của Ấn Độ đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO. Loại vắc xin này cũng có thành phần, chất lượng tương tự vắc xin Quinvaxem và đã được WHO tiền thẩm định. Nếu Việt Nam đồng ý, vắc xin mới sẽ được thí điểm tại một số tỉnh trước khi tiêm chủng rộng rãi.

Vắc-xin Quinvaxem đã chính thức dừng sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng


Trước đó, vắc xin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi  do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Vắc xin Quinvaxem từng bị tạm dừng sử dụng năm 2013 sau khi có 43 ca phản ứng nặng sau tiêm. WHO sau đó đánh giá, trong số đó chỉ có 9 trường hợp có thể liên quan đến tiêm vắc xin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin. Từ tháng 11/2015, vắc xin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay.

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận 27 ca tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó 14 trường hợp không rõ nguyên nhân, 4 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác; 9 trường hợp còn lại liên quan đến phản ứng của vắc xin (bao gồm phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ...).

Vắc xin phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế cũng có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình Tiêm chủng mở rộng.  Cụ thể, tháng 4/2018, vắc xin Sởi - Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi và từ tháng 8/2018 Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình Tiêm chủng mở rộng

Trước đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sởi -Rubella. Trong tháng 3/2018, vắc xin Sởi - Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin Sởi- Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016.

Bộ Y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ


Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2014 – 2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin  Sởi - Rubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh