THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:43

Có nên thay thế vắc xin Quinvaxem?

Liên tiếp các ca tử vong sau khi tiêm Quinvaxem

Liên quan đến trường hợp bé gái 4,5 tháng tuổi ở Hải Dương tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem, ngày 1/11, Bộ Y tế kết luận nguyên nhân tử vong là do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng.

Trước đó, bé trai 3 tháng tuổi, ở huyện Quế Phong (Nghệ An), đã tử vong sau tiêm Quinvaxem mũi 2 chỉ mấy phút, được xác định do sốc phản vệ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vắc xin tiêm cho hai trường hợp tử vong tại Nghệ An và Hải Dương được xác định là cùng một lô vắc xin và vắc xin liên quan cũng đã được gửi đến Trung tâm kiểm định vắc xin.

Trước đó, tháng 4/2013 Việt Nam cũng quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc, sau khi xảy ra liên tiếp các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Từ khi Việt Nam bắt đầu sử dụng Quinvaxem năm 2010 đến tháng 4/2013, có 43 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin.

Tiêm phòng cho trẻ.

Sau khi tạm dừng vắc xin, Bộ Y tế đã cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rà soát từng ca phản ứng sau tiêm. Theo đó, trong 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã qua khỏi. 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận.

Theo tính toán của các chuyên gia tại thời điểm đó, với 9 ca phản ứng có liên quan vắc xin tính tỉ lệ trên 14 triệu liều sử dụng thì đó là tỉ lệ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với phản ứng có thể xảy ra (ước tính 20 lần/triệu).

Sau khi được kiểm định độc lập tại Phòng kiểm định quốc tế, WHO khẳng định vắc xin Quinvaxem là an toàn và khuyến cáo Việt Nam sử dụng lại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tháng 6/2013, Bộ Y tế đề xuất cho phép sử dụng lại Quinvaxem và đến tháng 7/2013 Chính phủ cho phép tái sử dụng vắc xin này.

Đến nay, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, các ca tử vong sau tiêm Quinvaxem lại liên tiếp xảy. Chỉ từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem được báo cáo, trong đó 8 ca tử vong. Khi Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm này thì có 7 trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp sốc phản vệ. Dù câu trả lời các ca tử vong này phần lớn là bệnh trùng lặp, sốc phản vệ, không liên quan đến chất lượng vắc xin nhưng vẫn khiến dư luận lo lắng.

Có nên thay loại vắc xin khác?

Theo một chuyên gia độc lập, thống kê các ca tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem từ năm 2013 đến nay, đăng tải trên các phương tiện truyền thông là 23 ca. Vì thế, chuyên gia này cũng đặt vấn đề, mong muốn sẽ có lộ trình thay thế vắc xin Quinvaxem bằng một loại vắc xin khác an toàn hơn.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết: Vắc xin Quinvaxem đã được kiểm nghiệm về chất lượng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từng lô vắc xin trước khi đưa vào sử dụng đều được kiểm định lại.Thực tế từ tháng 6/2010 đến nay, Việt Nam cũng đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà... đã giảm hẳn. Về những phản ứng sau tiêm vắc xin này, năm 2013 WHO cũng đã có đánh giá về 9 ca phản ứng sau tiêm, cho thấy tỉ lệ phản ứng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo.

Theo Bộ Y tế, đến nay, WHO vẫn khuyến cáo vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào hiệu quả miễn dịch hơn thành phần vô bào, tỷ lệ phản ứng nặng giữa hai loại vắc xin này là tương đương. Trước đó, các tranh luận về thay thế giữa vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào (vắc xin Quinvaxem) và vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà vô bào (vắc xin dịch vụ hiện nay) cũng đã được đặt ra nhưng còn rất nhiều vấn đề tranh luận. Bởi WHO vẫn khuyến cáo vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào hiệu quả miễn dịch hơn thành phần vô bào.

Trong năm 2015 có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem và tỉ lệ này vẫn thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Tại Việt Nam, tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem là 4,5/1 triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca phản ứng/1 triệu liều sử dụng. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vắc xin cũng như thuốc kháng sinh đều có những rủi ro nhất định. Nếu tỉ lệ phản ứng đó nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất, nằm trong tỷ lệ cho phép thì vẫn phải tiến hành tiêm vì vắc xin bảo vệ cho cả quần thể lớn, cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ Y tế lúc nào cũng phải chọn vắc xin tốt nhất cho trẻ. Qua nhiều lần họp Hội đồng vắc xin, chuyên gia vẫn kết luận vắc xin Quinvaxem là an toàn và hiệu quả. Không thể nghĩ  rằng, cứ có tai biến là thay, mà cần phải có quy trình và có nguồn vắc-xin. Chiến lược thay vắc xin (nếu có) cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở khuyến cáo của WHO và các nhà khoa học Việt Nam".

Như vậy, có thể thấy, với tình hình hiện tại, câu chuyện tính đến nguồn thay thế vắc xin Quinvaxem vẫn đang tiếp tục được đặt ra nhưng để thực hiện được thì khó có  thể trong một sớm một chiều.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh