CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Việt Nam nằm trong top 3 khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái

Hướng tới chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, với nỗ lực nâng cao vị thế cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ, tổ chức Plan International công bố Báo cáo Vị thế của trẻ em gái châu Á năm 2020 cùng với các chỉ số trong từng lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là báo cáo lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, phân tích những thành tựu của 19 nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, sức khỏe, bảo vệ trẻ em và sự tham gia của các em trong xây dựng các chính sách pháp luật có liên quan tới các em.

Việt Nam nằm trong top ba nước đứng đầu khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái - Ảnh 1.

Vị thế của trẻ em gái tại Việt Nam ngày càng được nâng cao.

"Đây chính là thời điểm vàng để châu Á đầu tư vào cơ hội phát triển cũng như khả năng lãnh đạo của trẻ em gái", bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Plan International khẳng định. "Nền kinh tế châu Á tiếp tục phát triển mạnh mẽ so với các khu vực khác trên thế giới. Chính phủ các nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đang sẵn sàng đầu tư nguồn lực để cùng trẻ em gái trên toàn khu vực châu Á tạo nên sự thay đổi", Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Plan International phát biểu.

Nghiên cứu của tổ chức Plan International chỉ ra, việc đầu tư vào bình đẳng giới, đặc biệt là đầu tư cho trẻ em gái và nữ thanh niên có thể mang lại nhiều kết quả tích cực cho tất cả mọi người. Những nghiên cứu về các chỉ số chuyên sâu trên từng lĩnh vực cho thấy, những quốc gia dù tổng thể đạt thứ hạng cao vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trên các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Singapore là nước dẫn đầu danh sách nhưng vẫn còn thiếu các luật cụ thể dành cho trẻ em. Philippines là nước đứng thứ 2 nhưng hiện còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về vấn đề y tế. Cũng theo báo cáo này, tổng quan trên mọi lĩnh vực, Việt Nam xếp thứ 3, đứng sau Singapore và Philippines. Đây là thành tựu lớn ghi nhận công sức của cơ quan chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới cũng như toàn thể xã hội.

Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của Plan International tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất vui khi nhận được kết quả của báo cáo và đặc biệt tự hào khi Việt Nam xếp thứ hạng tổng thể rất cao trong bảng xếp hạng. Việc Việt Nam xếp thứ hạng chưa cao ở chỉ số liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và bạo lực cũng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả vấn đề này. Đây cũng hiện là ưu tiên chính của Chính phủ Việt Nam và tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững thứ hạng cao như hiện tại và thậm chí sẽ vượt cả Philippines hay Singapore trong tương lai".

Tham gia vào nghiên cứu, khi được hỏi về mong muốn của mình, Hữu (17 tuổi) chia sẻ: "Trẻ em gái là nguồn lực và tương lai của đất nước. Người lớn cần phải thay đổi suy nghĩ rằng trẻ em chẳng làm được việc gì lớn. Trẻ em gái, đặc biệt là các bạn vùng sâu vùng xa không nên bỏ học để phụ giúp cha mẹ hay chăm em. Phụ nữ không sinh ra chỉ để làm việc nhà. Hãy trao cơ hội cho trẻ em gái được học tập và ra quyết định".

Hiện trên thế giới, vẫn chưa có quốc gia đạt được bình đẳng giới. Các nước trong khu vực châu Á cũng không phải ngoại lệ. "Chỉ còn khoảng 10 năm để chúng ta hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030, Plan International muốn kêu gọi tất cả quốc gia tại châu Á cùng đầu tư vào trẻ em gái ngay ngày hôm nay. Đó chính là lý do chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn báo cáo này", bà Anne-Birgitte, Albrectsen, Tổng Giám đốc tổ chức Plan International toàn cầu chia sẻ.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Plan International đã có hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới.

Plan International bắt đầu làm việc tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ năm 1993. Sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh và cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính bản thân, tin tưởng rằng trẻ em gái có khả năng thay đổi thế giới. Vì vậy, tham vọng của Plan International là đồng hành cùng các em đảm bảo 2 triệu trẻ em gái trên đất nước Việt Nam đến năm 2022 được học tập, lãnh đạo, ra quyết định và phát triển.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh