THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:57

Việt Nam luôn quan tâm và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương

Thời gian qua, Việt Nam tăng cường và đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Chiến lược cấp quốc gia, trong đó lồng ghép các nội dung nhằm ưu tiên giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong 15 quốc gia đi đầu trong Liên minh toàn cầu 8.7 nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7. Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật người khuyết tật, Luật Thanh niên và tích cực nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề này.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời dự phòng và chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, giúp các cơ sở sản khoa, cơ sở cách ly thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh. Các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách, các nguồn vận động để kịp thời hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế cho trẻ em gặp khó khăn; vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh.

Tặng gói quà an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tặng gói quà an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của trẻ em; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 5/2021, cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 117.624/236.477 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn cho vay khoảng 2.940,6 tỷ đồng (tương đương khoảng 130,3 triệu USD). Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2026. Việt Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố ở miền Trung; đến tháng 5/2021, có 19.350/21.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,6%) với tổng số vốn đã giải ngân là 664,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 22,4 triệu USD).

Việt Nam đã triển khai các Đề án quan trọng nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hoá đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, tài liệu tuyên truyền kiến thức pháp luật.

Việc bảo đảm quyền tiếp cận phương tiện đi lại và xây dựng công trình thân thiện với người khuyết tật tiếp tục được chú trọng triển khai trên cơ sở các quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kiến trúc năm 2019. Người khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm; tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại. Hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội và 100% người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đều thực hiện ưu tiên đối với người khuyết tật.

Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Theo thống kê từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ việc với gần 1.700 đối tượng có hành vi lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 đã được thực hiện hiệu quả, giảm trên 40% số vụ mua bán người so với giai đoạn trước. Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiếp tục triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ, Hiệp định, Kế hoạch hợp tác song phương đã ký về phòng chống mua bán người với các nước.

Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tích cực triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và hàng nghìn nạn nhân khác đã được chính quyền, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ dịch vụ liên quan như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… Việt Nam đang tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh