THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:04

Gian nan vượt khó ở bản nghèo !

Khó trăm bề…

Nằm cách trung tâm xã, cách khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn chừng 10km, bản Đồng Lách được xem là một trong những khu vực đặc biệt nhất tỉnh. Đồng Lách từ trên đỉnh núi nhìn xuống chỉ thấy lác đác vài nóc nhà, những ngôi nhà thấp lè tè, nằm lọt thỏm giữ bốn bề bao quanh là núi đá vôi. Không điện, đường giao thông khó khăn, lại thiếu thốn đủ đường, Đồng Lách dường như lạc hậu, cô độc, đối lập với thế giới bên ngoài, với một KKT Nghi Sơn năng động  đang chuyển mình phát triển.

 Để tới được Đồng Lách chỉ có con đường độc đạo vượt qua những con dốc vắt ngang sườn núi. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa con đường lầy lội, lởm chởm đá càng thêm ngăn cản Đồng Lách tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mọi nhu yếu phẩm khi cần mua người dân phải “cuốc bộ” nửa ngày đường để về trung tâm xã hoặc trông chờ vào những ghánh hàng rong từ Nghệ An đưa sang.

Trưởng bản Đồng Lách, ông Vi Văn Luân cho biết: “Đồng Lách có tổng cộng 108 hộ dân sinh sống, với 600 nhân khẩu thì tất cả đều là người dân tộc Thái di cư từ nơi khác đến. Những năm trước đây 100% đều thuộc hộ nghèo, vừa qua cán bộ xã đến vận động mãi mới có 3 hộ mạnh dạn rút khỏi danh sách hộ nghèo. Trước kia ngoài làm ruộng người dân đang còn nghề phụ khác là vào rừng đốn củi, đốt than gùi xuống dưới xuôi bán, hiện công tác bảo vệ rừng đã siết chặt khiến cuộc sống của người dân càng trở nên khó khăn.

Trên địa bàn bản có hai đập chứa nước (đập Đền Bà và đập Khe Luồng) nhưng vào mùa khô, lượng nước không đủ cung cấp cho sản xuất. Cả bản có 20 ha đất nông nghiệp thì chỉ có 15 ha cấy được vụ chiêm, 5ha cấy được vụ mùa vì không chủ động được nguồn nước tưới, năng suất cũng chỉ đạt gần 1 tạ/1 sào. Nước phục vụ sản xuất đã thiếu, người dân lại phải đối diện với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều hộ phải dùng xe trâu ra tận Nhà máy Xi măng Công Thanh xin nước chở về dùng. Mỗi khi trong bản có người chẳng may mắc bệnh, nặng lắm mới đưa về xã cũng bởi giao thông đi lại khó khăn, thêm phần đã nghèo nên chi phí sinh hoạt lại tốn kém. Cũng vì thế mà cái nghèo đói vẫn bám lấy cuộc sống  người dân Đồng Lách chưa thể thoát ra được…”

Tối nào gia đình anh Phạm Văn Xuân cũng là “trung tâm thông tin” thôn Đồng Lách

Đến Đồng Lách ta dễ nhận ra những ngôi nhà lụt sụp, tranh tre, vách nứa tạm bợ, những đứa trẻ quần áo lấm lem, mỏng manh co ro giữa giá rét. Vào chiều muộn, những ánh đèn dầu leo lét nhỏ bé giữa bốn bề rừng núi như đối lập với một KKT Nghi Sơn năng động, đèn điện sáng trưng, lộng lẫy.

Cái cảnh hàng trăm người dân già, trẻ, gái, trai sau bữa cơm chiều lũ lượt kéo nhau đến một gia đình duy nhất trong thôn xem nhờ tivi mà như lời một vị cán bộ nơi đây đã nói với chúng tôi rằng: “Về Đồng Lách, các chú như đang đi lùi về quá khứ, sống lại ký ức tuổi thơ những năm 90 của thế kỷ trước. Cuộc sống của người dân nơi đây cứ lầm lũi, chậm chạp trôi qua từng ngày...".

Giải thích lý do cả bản chỉ có một chiếc tivi, ông Vi Văn Luân cho biết thêm: “Tối đến, hầu như nhà nào cũng chỉ thắp một ngọn đèn dầuđể tiết kiệm. Bà con trong bản muốn sắm tivi lắm nhưng làm gì có điện để xem. Hộ gia đình anh Phạm Văn Xuân là gia đình duy nhất trong thôn sở hữu một chiếc tivi màu đời cũ. Cách đây ba năm, trong một lần xuống trung tâm huyện chơi, anh ấy nhìn thấy nhà nào cũng có điện, có tivi xem nên đã bàn với vợ chắt góp được hơn 2 triệu đồng rồi nhờ bạn bè mua cho một cái tivi màu đời cũ.

Suốt từ khi mua được tivi đến nay, gia đình anh Xuân mỗi tối đón tiếp hàng trăm người dân đến đứng ngồi chật kín sân vườn xem ti vi. Bà con trong bản họ có thể bỏ ăn chứ nhất định không chịu bỏ một buổi xem nào. Nguồn điện chính xem ti vi chỉ là chiếc máy cày đã cũ, ban ngày phục vụ bà con, đêm đến lại trở thành một máy phát điện tự chế đã hơn một năm nay. Người dân đến xem không ai bảo ai đều tự nguyện đóng góp tiền mua dầu để chạy máy phát…”

Bao giờ thành hiện thực?

Được biết, năm 2009, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương mở một con đường vào bản, giúp nhân dân thông thương, phát triển kinh tế. Ngay sau đó lãnh đạo nhà máy xi măng Công Thanh đứng ra xin tỉnh được đầu tư, giúp đỡ bà con tại địa phương nơi họ đứng chân. Dự án chẳng hoàn thành, phía công ty cũng lặng lẽ rút đi để lại cho dân bản con đường đất đá bị cày, phá nham nhở. Không chỉ khó khăn trong phát triển kinh tế, các vấn đề như y tế, giáo dục ở đây cũng không nhận được nhiều sự quan tâm. Cuộc sống của những hộ dân nơi bản nghèo đến nay vẫn chưa khá lên được.

Bà Lương Thị Nhân buồn bã cho biết: “Cả gia đình 7 miệng ăn trông chờ vào 5 sào ruộng, nhưng hạn hán khiến cho mùa màng liên tục thất thu, 5 sào có vụ chỉ thu hoạch được hơn 1 tạ thóc. Con cái vất vả ngược nguôi làm thuê, làm mướn kiếm được đồng tiền lại phải đi bộ xuống trung tâm xã nửa ngày trời mới mua được gạo và các nhu yếu phẩm khác.

Qua tivi, chúng tôi thấy chốn thành thị thật to lớn, điện sáng, đường đẹp, thấy cuộc sống mọi nơi ngày càng thay đổi. Bà con trong bản ai cũng trông mong đến ngày có điện lưới quốc gia, có đường giao thông thuận lợi lại được hỗ trợ nhiều về y tế, giáo dục…như vậy mới yên tâm để vượt khó, thoát nghèo. Đời chúng tôi khổ đã đành, chỉ mong sao con cháu có cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng xem ra ước mơ ấy vẫn đang còn rất xa vời…”.

Bức xúc phản ánh về vấn đề này, Bí thư chi bộ thôn Đồng Lách, ông Lê Văn Hoạt cho biết thêm: Cả bản có 150 học sinh nhưng cũng chỉ học đến hết cấp 3 là cao nhất, nghề phụ thì không có, nhiều em phải đi làm thuê khắp nơi trong, ngoài tỉnh. Học hết cấp 1 các em muốn theo học tiếp phải đi bộ gần chục km đến trường, trong đó có 3km đường dốc núi cao khó khăn, hiểm trở.

Để vượt qua quãng đường đó các em phải đi từ lúc tờ mờ sáng sáng, tan trường về đến nhà cũng đã sang chiều, hôm trời mưa thì đành nghỉ học. Năm 2014 có em thi đậu đại học nhưng do điều kiện gia đình quá khó khăn nên phải bỏ. Trong rất nhiều cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kéo điện quốc gia, cải tạo mở đường giao thông để người dân thuận lợi thông thương phát triển kinh tế, thoát nghèo. Chúng tôi vẫn chờ nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm…”.

Những đứa trẻ háo hức xem ti vi

  Tìm hiểu về vấn đề này ông Lê Thế Kỳ, phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho hay: Cái khó nhất của người dân Đồng Lách vẫn là nguồn nước, chúng tôi đã đắp 2 đập nhưng không tích được nước vì theo khảo sát hệ thẩm thấu dưới các đập rất lớn vẫn chưa xử lý được.

Trước kia huyện có chủ trương di dời toàn bộ các hộ xuống dưới này để thuận tiện cho cuộc sống cũng như sinh hoạt nhưng do phong tục, tập quán của bà con người Thái nên họ không chịu di dời. Các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các hộ dân vẫn được huyện tích cực triển khai thực hiện, cái chính về lâu dài là giúp người dân có “cần” để câu cá. Trong năm 2015, người dân Đồng Lách chắc chắn sẽ có điện sáng và đường sẽ đổ nhựa…”

Máy phát điện “tự chế” duy nhất thôn Đồng Lách

Những ngày cuối cùng của một năm cũ sắp qua, ước mơ về một cuộc sống mới chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực? Trước tin vui mới về một tương lai tốt đẹp hơn người dân Đồng Lách vẫn tiếp tục “phải chờ”. Hơn lúc nào hết người dân nghèo thôn Đồng Lách rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành. Có như vậy mới vững bước, yên tâm vượt khó, thoát nghèo.

Tường Lâm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh