CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong xây dựng khung chính sách thúc đẩy tài chính bền vững

Những cải cách này yêu cầu các ngân hàng thực hiện đánh giá, quản lý và báo cáo về các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động cho vay, đồng thời triển khai các cơ chế khuyến khích các ngân hàng tài trợ các dự án xanh.

Trong số 38 quốc gia thành viên SBN, 22 quốc gia đã ban hành chính sách quốc gia và các nguyên tắc tự nguyện về tài chính bền vững, trong đó có 7 quốc gia vừa ban hành trong năm 2019.

Báo cáo cũng ghi nhận nỗ lực của 14 quốc gia trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu xanh. Các số liệu được công bố trong báo cáo cho thấy ngày càng nhiều sáng kiến được các tổ chức tài chính ngân hàng theo đuổi để phát triển danh mục tín dụng xanh của mình.

"Các quốc gia thành viên SBN đã cho thấy việc chuyển đổi các thị trường tài chính hướng đến bền vững là hoàn toàn khả thi," bà Georgina Baker, Phó Chủ tịch IFC phát biểu. "Các thị trường mới nổi đang dẫn đầu cho xu thế này – và các công cụ và hướng dẫn của SBN đã tạo cơ sở cho các quốc gia khác tiếp nối."

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành khung chiến lược phát triển ngân hàng xanh và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Để đảm bảo các ngân hàng thực hiện đánh giá các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình thẩm định các khoản vay, ngân hàng nhà nước đã đặt ra hai mục tiêu cụ thể tới năm 2025 - toàn bộ các tổ chức tín dụng sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường- xã hội và lồng ghép đánh giá rủi ro môi trường– xã hội vào đánh giá rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, có ít nhất từ 10 đến 12 ngân hàng sẽ thành lập bộ phận chuyên trách đánh giá rủi ro môi trường–xã hội và tài chính xanh.

Một khảo sát Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện đầu năm 2019 cho thấy 76% các ngân hàng thương mại tham gia khảo sát đã ban hành chiến lược tài chính bền vững, 17 ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro môi trường- xã hội tuân thủ các quy định hiện hành và 25 ngân hàng xác nhận đã lồng ghép các vấn đề môi trường- xã hội trong thẩm định các khoản tài trợ doanh nghiệp và tài trợ dự án.

"Việc Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có nhiều tiến bộ về tài chính bền vững là một đánh giá rất khích lệ. Báo cáo hàng năm của SBN cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về các sáng kiến tài chính bền vững ở các thị trường đang phát triển", ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các Ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

"Các ngân hàng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao theo đuổi mục tiêu tài chính bền vững – đây được coi là nhiệm vụ quan trọng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới", ông Hùng nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh việc cung cấp những nguồn thông tin thực tiễn cho các quốc gia thực hiện các cải cách tài chính bền vững, báo cáo của SBN cũng hỗ trợ việc trao đổi tri thức giữa các thành viên – một trong những mục tiêu quan trọng của mạng lưới.

"Báo cáo này ghi nhận những kinh nghiệm của các quốc gia thành viên SBN trong việc phát triển tài chính bền vững," ông Imansyah, Ủy viên Phó Bộ phận Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), và là đồng chủ tịch Nhóm Đánh giá của SBN nhận định. "Chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tế giữa các thành viên luôn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy các cải cách tài chính, đặc biệt là đối với các quốc gia đang trong quá trình triển khai những nỗ lực này."


THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh