THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Việt Nam có thể ghép đầu người nhưng tôi không ủng hộ

 

Việt Nam có thể thực hiện ghép đầu nhờ chuyển giao kỹ thuật. Trên quan điểm cá nhân, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không ủng hộ việc này.

"Tôi không ủng hộ ghép đầu"

“Theo tôi ở giai đoạn này Việt Nam không nên làm. Mặc dù ngành y tế trong những năm gần đây đã phát triển, bước đầu hội nhập với thế giới nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, hiện nay, ung thư rất nhiều. Song không phải tất cả bệnh viện đều điều trị giống nhau. Ở những nơi không làm được tạo hình, người ta chỉ biết cắt một phần ung thư. Do không có kỹ thuật này, các phẫu thuật viên không thể cắt rộng để loại bỏ toàn bộ u trong khi bệnh nhân đến muộn buộc phải cắt rộng, nhưng lại không tạo hình được. Việt Nam cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt này, tạo nền tảng về sau cho việc ghép đầu", PGS Sơn nói.

'Việt Nam có thể ghép đầu người nhưng tôi không ủng hộ'

PGS Nguyễn Tài Sơn hội chẩn tại khoa P hẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sáng 13/1. Ảnh: Hà Quyên.


Đồng quan điểm, bác sĩ Võ Xuân Sơn, chuyên gia phẫu thuật hàng đầu ở Việt Nam cũng cho rằng việc ghép đầu người không khả thi. Ông cho rằng ghép tủy sống là việc chưa làm được nên việc ghép đầu tất nhiên cũng vậy. Hiện ngành y của Việt Nam còn rất nhiều việc cần làm, mới chỉ bắt đầu thực hiện các ca ghép và vẫn còn rất nhiều vấn đề, nên tập trung vào các kỹ thuật nhỏ khác.

Thạc sĩ Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng, việc ghép đầu người hiện nay chưa thể thực hiện bởi các bệnh nhân liệt tủy do chấn thương vẫn chưa giải quyết được thì chưa thể ghép đầu người được. Đây mới chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong vô vàn vấn đề liên quan tới kỹ thuật này.

Bên cạnh đó, PGS Tài Sơn đề cập đến vấn đề xã hội khiến ông không đồng tình là chúng ta cần tôn trọng quy luật chọn lọc tự nhiên. Nếu ghép đầu thành công trên thế giới, sẽ nảy sinh những hệ quả như những người giàu, có tiền sẽ muốn sống mãi, còn những người khác sẽ phải hi sinh. Bằng chứng là tình trạng mua bán nội tạng đang rất nguy hiểm. Hơn nữa, mặc dù bây giờ chi phí ghép đầu được miễn phí, nhưng về lâu dài liệu rằng những người nghèo có thể thực hiện được kỹ thuật này nếu không có tiền?

“Tôi chỉ đồng tình với việc ghép tạng. Đó là cứu người. Những người mất não có thể hiến cho y học, cho những người sống các bộ phận còn nguyên vẹn của mình. Còn việc ghép đầu, nếu thế giới làm được, chúng ta rồi cũng làm được, nhưng cần xác định rõ mục tiêu của việc này sẽ là gì, có ích hay không", ông nêu quan điểm.

'Việt Nam có thể ghép đầu người nhưng tôi không ủng hộ'
Năm 2017, phẫu thuật viên người Italy sẽ thực hiện ca ghép đầu trên người đầu tiên trên thế giới. Ảnh minh họa.

Cơ hội cho Việt Nam trong tương lai

PGS Sơn cho hay, trên thế giới từng phẫu thuật ghép đầu chó thành công từ thập niên 1990 và gần đây là một bác sĩ phẫu thuật người Italy đề xuất ghép đầu người.

Ông phân tích, các nhà khoa học đã tiến hành khá nhiều ca ghép đầu trên chó, khỉ, đặc biệt, phẫu thuật viên người Trung Quốc đã thực hiện điều này trên 1.000 con chuột, đó là tiến bộ khoa học rất rõ ràng. Ghép đầu người có thể làm được, nhưng đó là về mặt kỹ thuật, trong khi về mặt xã hội, tính nhân văn thì không đơn giản và cần phải xem xét rất nhiều.

“Về góc độ kỹ thuật, mọi thứ đều có thể làm được bởi y học ngày càng phát triển. Thậm chí, từ thời Cách mạng Tháng Mười Nga đã có một cuốn tiểu thuyết giả tưởng về việc ghép đầu. Mặc dù đó là từ tiểu thuyết song cũng có thể những con người uyên bác phán đoán được những thành tựu trong tương lai.Việt Nam cũng có thể thực hiện ca ghép đầu nhờ vào sự tiến bộ, kỹ thuật chung của thế giới. Nó có thể thành công trong năm sau hay 5 năm hoặc 50 và lâu hơn nữa, đó là điều có thể, không cần nghi ngờ”, PGS Sơn nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Sơn đặt câu hỏi về vấn đề quan trọng sau khi ghép đầu là hồi phục dẫn truyền của não bộ. Có thể cắt đầu, bơm ôxy, cung cấp máu giàu ôxy để nuôi não nhưng các dẫn truyền về các trung khu của não qua các tủy sống liệu có chính xác đến các cơ quan đoàn thể của thân người khác hay không? Đây là điều không đơn giản nhưng ông tin sau này chắc chắn sẽ làm được.

Từ năm 1908 các nhà khoa học đã tiến hành ghép đầu chó, kết quả con vật này sống được 20 phút và có những chuyển động tối thiểu. Đến năm 1950, ca ghép đầu lên vai một con chó khác tạo chó hai đầu được thực hiện. Con vật này có thể di chuyển, uống nước. Cùng với sự ủng hộ, tán dương, một luồng dư luận khác đã lên tiếng phản đối, đặc biệt là Tây Âu. Tới năm 1959, Trung Quốc cũng thực hiện thành công ghép đầu chó. Những năm 1970, Mỹ bắt đầu làm và cũng thành công. Đến năm 2013, bác sĩ phẫu thuật người Italy - ông Cavanero đã đề xuất ghép đầu người.

Theo dự kiến, bác sĩ Cavanero sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017. Ở Việt Nam, mặc dù kỹ thuật ghép tạng chậm hơn thế giới nhưng đang phát triển và đạt nhiều thành tựu. Nếu ca phẫu thuật đầu trên thế giới thành công, việc Việt Nam tiến hành kỹ thuật này là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, Việt Nam sẽ theo dõi sát sao những nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật trong việc thực hiện ca ghép đầu người này. Hiện tại Việt Nam chưa chuẩn bị kế hoạch ghép đầu người nhưng đã sẵn sàng tuyển chọn người cho và người nhận đầu, nhân lực và kỹ thuật để lập đề án về ghép đầu người khi có yêu cầu. Nếu có nhu cầu, Việt Nam sẵn sàng liên hệ để mời ê-kíp ghép đầu người trên thế giới đến thực hiện.

Theo zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh