CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:11

Việt Nam lên kế hoạch cho ca ghép đầu người

Bác sĩ Sergio Canavero tin rằng có thể thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới trong hai năm tới. Ảnh: cumhuriyet.com.tr.

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng về hiến, ghép tạng. Tại đây GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, dự kiến tới năm 2017, thế giới sẽ tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên. Sau ca ghép này, Việt Nam sẽ sẵn sàng mời các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật này.

Về kế hoạch cụ thể cho ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, GS Trịnh Hồng Sơn cho biết, việc chuẩn bị nhân lực và kỹ thuật sẽ có 150 bác sỹ và điều dưỡng được đào tạo trong 2 năm với các động tác thuần thục và phối hợp nhịp nhàng. 

Thời gian phẫu thuật dự kiến 2 ngày. Quy trình phẫu thuật gồm: đầu làm lạnh, cắt đầu của người hiến bằng lưỡi dao kim cương, bảo vệ đầu bằng bơm ô xy liên tục lên não qua ống silicone; Cắt đầu người nhận trên thân não để tim vẫn đập và nuôi cơ thể. Khi bắt đầu ghép thì nối dây thần kinh tủy sống, kết nối cột sống, nối mạch máu, cơ, da… sau đó theo dõi và săn sóc sau ghép.

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, vào năm 2013, Sergio Canavero – một phẫu thuật viên người Ý đã đề xuất ghép đầu người. Năm 2015, phẫu thuật viên này đã đề xuất làm mất đầu, bảo quản tủy bằng quy trình GEMINI, sử dụng PEG và kích thích điện. Vị này cũng sẽ công bố ca ghép đầu thực hiện vào năm 2017.

Những người ủng hộ việc ghép đầu cho rằng ghép đầu một ngày nào đó sẽ đem lại sự bất tử, nhiều nhà tài trợ cho dự án, nhiều phẫu thuật viên sẵn sàng tham gia. Hiện nay, Valeri Spiridonow, 30 tuổi, người Nga đã đồng ý hiến đầu.

Một công bố trên tạp chí CNS Neuruscience and Therapentics vào tháng 12/2014 cho biết, TS Xiaoping Ren, Trường Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đã cấy ghép đầu gần 1.000 con chuột, sống lâu nhất trong một ngày, sau ghép kiểm soát được nhịp tim và thở.

Tại buổi sinh hoạt này, GS Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, đến nay đã có 3.542 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chất não. Liên quan đến việc đăng ký hiến tặng, GS Sơn thông tin hiện trên mạng xã hội đang xuất hiện trang fanpage mang tên "Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam". Trang này tự giới thiệu là tổ chức phi lợi nhuận, nâng cao nhận thức người dân Việt Nam, cầu nối giữa những người muốn hiến, nhận mô tạng, cung cấp thông tin về luật, thủ tục cần thiết.

Fanpage này hướng dẫn mọi người vào website hientangvietnam.xyz với hiển thị nổi bật khi truy cập vào trang này là mục Đăng ký hiến. Nhấn vào sẽ hiện ra một mẫu Đơn đăng ký hiến và nhận tạng bao gồm các thông tin Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, Địa chỉ, Email, Số điện thoại, Bạn muốn hiến hay nhận tạng, Bộ phận muốn hiến hoặc nhận, Nhóm máu của bạn, Giới tính, Mô tả tình trạng bệnh (Dành cho người nhận tạng), Yêu cầu của người hiến tạng (cho người hiến tạng).

Tuy nhiên sau khi điền đầy đủ các thông tin, những người đăng ký đều không nhận được xác nhận thành công về email hay điện thoại.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, đây là trang web vô danh, không thuộc bất kỳ cơ quan y tế sự nghiệp chính thống nào, cũng không phải của trung tâm. Những thông tin trang web này đưa ra không phải thông tin chính thống, vì thế người dân nên cảnh giác.

Về nguyên tắc để đăng ký hiến mô tạng trước và sau khi chết, chết não, người dân có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất để bày tỏ ý nguyện. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 2 nơi có thể cấp thẻ đăng ký cho người dân là Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Sắp tới việc này có thể mở rộng ra các cơ sở ghép tạng, tuy hiện tại chỉ có 2 địa chỉ trên.

Theo ông Phúc, bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

Thẻ hiến tạng được cấp cho người đăng ký hiến tạng tại BV Chợ Rẫy.

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. 

Hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, trên 300.000 người mù chờ ghép giác mạc; số người chờ ghép tim là hơn 1.500. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.

Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh