CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:47

Việt Nam có 811 Giáo sư, Phó giáo sư là nữ giới

Tham dự và phát biểu tại diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  Nguyễn Thiện Nhân. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các tổ chức về phụ nữ và phát triển trong nước và quốc tế; 50 đại biểu quốc tế đến từ các nước và tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

Chương trình văn nghệ tại Diễn đàn

Vị thế của phụ nữ ngày càng nâng cao

Phát biểu tại Diễn đàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam là một dân tộc đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử hào hùng. Trong suốt chặng đường dài ấy, dù ở bất cứ thời điểm nào, phụ nữ Việt Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Nhìn lại những ngày đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhiều phụ nữ Việt Nam đã trở thành những anh hùng mà tên tuổi của họ lưu danh sử sách, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân...

Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập trong thế kỷ XX, phụ nữ Việt Nam lại "tay cày, tay súng", vừa ra tiền tuyến trực tiếp đánh giặc, vừa hăng say sản xuất và đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình...

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là từ năm 1986 khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước hội nhập với thế giới, một lần nữa, phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, thể thao, bảo đảm an ninh, quốc phòng...Ngày nay, cứ 100 phụ nữ trong độ tuổi lao động thì có 73,5 người đang làm việc (so với 82,5 người ở nam giới); có 6,7% lao động nữ có trình độ cao đẳng và đại học trở lên (so với 7,5% của nam giới).

Phụ nữ đang chiếm lĩnh những đỉnh cao của tri thức và khoa học công nghệ tiên tiến. Từ năm 2006 đến năm 2014, Việt Nam đã phong tặng chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho 811 phụ nữ, chiếm 22% tổng số GS, PGS của cả nước.

Trong các môn thể thao như bơi lội, điền kinh, bóng đá, bắn súng..., các vận động viên nữ đã giành được nhiều huy chương vàng tại các đại hội thể thao Đông Nam Á và châu Á.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

Các chị cũng có nhiều thành công trong lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có mức vốn hóa lên tới hàng trăm triệu USD. Nhiều chị đã và đang nắm giữ nhiều vị trí cao trong các cơ quan Nhà nước.

Tại Quốc hội, hiện nay có 24,4% đại biểu là phụ nữ; bình quân ở cấp HĐND tỉnh, thành phố, có 25,17% đại biểu là nữ. Chị em còn rất tích cực tham gia công tác Hội, xây dựng và phát triển hệ thống các cấp Hội Phụ nữ ngày càng vững mạnh. Trong số hơn 21,4 triệu phụ nữ trên 18 tuổi, có hơn 15,5 triệu người tham gia Hội phụ nữ, chiếm 72,5%.

“Không chỉ ‘giỏi việc nước’ mà phụ nữ Việt Nam còn có truyền thống ‘đảm việc nhà’. Là người bà, người vợ, người mẹ, phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao tấm gương bao dung, nhân hậu, hết lòng vì gia đình, chăm lo, gìn giữ những giá trị của người Việt được trao truyền qua hàng trăm thế hệ, bảo vệ và nuôi dưỡng cái nôi văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ đấu tranh không ngừng, vị thế trong xã hội của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và ghi nhận”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Đề xuất các chính sách tốt hơn cho phụ nữ

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, phụ nữ, hòa bình và phát triển có sự gắn kết chặt chẽ, trong đó người phụ nữ là nhân vật trung tâm, có đóng góp quan trọng trong gìn giữ hòa bình và phát triển của mỗi quốc gia.

Các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kết quả mà phụ nữ trên toàn thế giới đã đạt được, những kinh nghiệm, những sáng kiến nhằm tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết hữu nghị, sự hợp tác giữa các nước trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu

Chủ tịch  Nguyễn Thiện Nhân mong rằng tại Diễn đàn này, các đại biểu quốc tế sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về vị trí và vai trò của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm công tác, qua đó tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước, vì mục tiêu "bình đẳng, phát triển và hòa bình".

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng, Diễn đàn sẽ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, xóa bỏ bạo lực gia đình, giúp phụ nữ thoát nghèo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại các vùng đang có xung đột vũ trang và chiến tranh...

Nhấn mạnh MTTQ Việt Nam là tổ chức đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân ở Việt Nam, trong đó có phụ nữ, ông Nguyễn Thiện Nhân  mong sẽ nhận được những ý kiến tư vấn, kiến nghị của Diễn đàn đối với những vấn đề đặt ra của phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam sẽ có những đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chính sách tốt hơn nữa đối với phụ nữ.

 

 

Nhìn lại 20 năm sau Hội nghị phụ nữ thế giới ở Bắc Kinh, ở cấp độ toàn cầu đã có những tiến bộ nhất định về bình đẳng giới như: Xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong luật pháp, tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động ở một số khu vực tăng lên, tỷ lệ tử vong mẹ giảm 45% so với năm 1990, tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội tăng gấp đôi so với năm 1995…Tuy nhiên còn tồn tại nhiều vấn đề như: Việc trả lương chưa bình đẳng, bạo lực với phụ nữ, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu quốc hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ.

Diễn đàn "Phụ nữ - hòa bình và phát triển" là hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ, 70 năm thành lập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế, 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, 15 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của LHQ và là một trong nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 85 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

N.Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh