CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:55

Việt Nam chủ động và sẵn sàng tham gia các Công ước quốc tế về lao động

Đây là những minh chứng sống động cho thấy hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam từ khi thực hiện đổi mới đến nay.

Nâng tổng số tham gia Công ước của ILO lên con số 25

Trước đó, ngày 20/5/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết, và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và KT-XH.

"Đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được hoàn thiện và tương thích với Công ước số 105, đủ độ "chín muồi" để Việt Nam gia nhập Công ước này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững; trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động...

Việt Nam: Chủ động, và sẵn sàng tham gia các Công ước quốc tế về lao động - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của ILO.

Trao đổi sau khi Quốc hội biểu quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đại biểu đoàn Thanh Hóa) khẳng định, đây là Công ước nhân văn, tiến bộ và đem lại nhiều lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước và xã hội.

"Như vậy, đến nay, chúng ta đã phê chuẩn việc gia nhập 7/8 Công ước cơ bản của ILO và cũng xác định rõ lộ trình để phê chuẩn Công ước cơ bản còn lại của tổ chức này. Điều đó thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền của người lao động. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ hình thức cưỡng bức, bóc lột lao động nào", ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ý nghĩa của việc phê chuẩn Công ước số 105 về mặt chính trị, pháp lý và KT-XH đã được Chính phủ báo cáo rất rõ với Quốc hội.

"Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Đối tượng hướng đến của Công ước số 105 là người lao động. Vì vậy, việc phê chuẩn Công ước và thực thi hiệu quả việc xóa bỏ lao động cưỡng bức trên thực tế sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh và cho biết thêm, việc gia nhập Công ước số 105 trên hết và trước hết là vì lợi ích của chính chúng ta.

Để trình Quốc hội phê chuẩn Công ước hôm nay, chúng ta đã có sự chuẩn bị rất chủ động, bài bản và xác định lộ trình rất rõ ràng từ cách đây 5 năm, chứ không phải do bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài.

Là một trong những nước chủ động nhất khu vực

Và trên thực tế, ông Lợi cho biết, trước khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, EVIPA và Công ước số 105, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định này trên cơ sở thừa nhận sự thiện chí và sự tuân thủ cao các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Việt Nam.

Trước khi ấn nút phê chuẩn hai hiệp định này, các thành viên Nghị viện châu Âu cũng đã sang thăm Việt Nam, trực tiếp quan sát và khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi các cam kết và tuân chủ các tiêu chuẩn của hiệp định, trong đó có các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế về lao động.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh – đơn vị chủ trì ký kết, triển khai thực hiện EVFTA cho hay, Hiệp định EVFTA chỉ nhắc lại các nghĩa vụ của ILO mà cả các nước EU cũng như Việt Nam đều là thành viên.

Hiệp định này không đưa ra các nghĩa vụ mới về nội dung lao động. "Ngay sau khi kết thúc đàm phán thì chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động để lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động, những người tạo ra của cải vật chất trực tiếp nhất cho xã hội", ông Trần Tuấn Anh nói.

Việt Nam: Chủ động, và sẵn sàng tham gia các Công ước quốc tế về lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Jyrki Katainen, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về vấn đề việc làm trong chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ nhằm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định EVFTA vào tháng 6/2019 (Ảnh tư liệu).

Để minh chứng, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, cũng nhằm mục đích cải thiện điều kiện của người lao động, tháng 11/2019, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021.

Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này.

"Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để Việt Nam hướng tới việc phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO", người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định.

Và vừa qua, cũng theo ông Trần Tuấn Anh, với việc Quốc hội phê chuẩn Công ước 105, "Việt Nam được coi là một trong những nước đã tích cực, chủ động thực hiện các quy định của ILO nhất trong khu vực. Chắc chắn các bước đi mang tính chủ động và tích cực trên của Việt Nam hướng đến một xã hội công bằng, vì người lao động sẽ củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế".

Đưa cam kết thành hiện thực

Theo các văn kiện và các chương trình, kế hoạch hành động, Việt Nam cam kết tiếp tục nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước 87 về tự do liên kết (dự kiến năm 2023).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.

Có thể nói, những bước đi cụ thể của Việt Nam trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình hội nhập, bởi các công ước cốt lõi của ILO đã trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Tất nhiên, việc tham gia các công ước, hiệp định EVFTA cũng là cơ sở quan trọng để chúng ta bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động và các bên quan hệ lao động.

Chính vì thế, gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng.

"Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của "giấy thông hành", giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105. Điều đó góp phần tạo nên những tác động để điều kiện làm việc được cải thiện theo hướng tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.

EVFTA: Đường cao tốc giữa Việt Nam - EU, mở ra chân trời mới

Hôm nay (18/6/2020), tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Việt Nam trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA cho Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội.

Theo quy định của Hiệp định, sau khi Việt Nam chính thức trao các Công hàm thông báo quyết định phê chuẩn hai Hiệp định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới. Và Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.

Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu đàm phán, ký kết, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thông qua.

Nói về tầm quan trọng của Việt Nam khi chủ động tham gia các Công ước quốc tế về lao động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: "Trong tiến trình đó có vai trò, đóng góp to lớn mang tính chất quyết định nhưng rất thầm lặng của cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói riêng và Bộ LĐ-TB&XH nói chung, trong việc nỗ lực để trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98, Công ước 105 của ILO, thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, cũng như có lộ trình thực hiện công ước 87 của ILO. Đây là điều kiện tiên quyết để phía EU ký hiệp định EVFTA với Việt Nam".

Những nỗ lực không mệt mỏi của phía Việt Nam và cả EU đã đưa đến kết quả sau gần 10 năm đàm phán, chính thức ký kết EVFTA tại Hà Nội vào chiều 30/6/2019.

Và Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định EVFTA tại phiên họp sáng 8/6. Đồng thời, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước 105 của ILO, đúng với lộ trình (roadmap) phía Việt Nam đã chia sẻ với EU trước khi ký kết Hiệp định EVFTA.

Tại cuộc điện đàm với Cao uỷ Thương mại EU Phil Hogan cũng trong chiều ngày 8/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị EU sớm thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA để hai bên có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định.

Phía EU đề nghị đưa Hiệp định vào thực thi từ ngày 1/8 tới đây, theo đúng quy định của Hiệp định.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh