Lao động của phạm nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 105
- Tây Y
- 02:53 - 21/05/2020
Nhất trí cao việc gia nhập Công ước số 105
Chiều nay 20/5, các đại biểu thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 của ILO.
Đánh giá cao Hồ sơ được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đầy đủ tài liệu về việc Việt Nam gia nhập Công ước 105 gửi đến các đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, nhất là Hiệp định CPTPP và sắp tới là EVFTA, "việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết", đại biểu nói.
Theo đại biểu đoàn Hải Phòng, các hiệp định thương mại tự do trên có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, yêu cầu thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, do vậy việc Việt Nam gia nhập Công ước 105 của ILO là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng thống nhất cao việc gia nhập công ước 105 của ILO phù hợp chủ trương, hội nhập quốc tế cả trước mắt và lâu dài.
Do đó, để đảm bảo tính thực thi cao, hiệu quả khi đi vào thực tiễn, ông Nguyễn Tạo lưu ý, cần xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai việc thực thi Công ước, tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan tổ chức có liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động có liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105.
Cùng quan điểm, nhất trí về tính cần thiết và tính tương thích về mặt pháp luật khi thông qua Công ước này, tuy nhiên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về vấn đề lao động của phạm nhân.
Ông Nhưỡng nêu, đã ký Công ước 29, "tức là thừa nhận các hình thức lao động cưỡng bức và trong đó có một số ngoại lệ được bảo lưu nhưng ngoại lệ đó rất quan trọng, được ghi là phải lao động bằng một quyết định của Tòa án. Không phải phạm nhân nào cũng được ghi là lao động là bắt buộc trong bản án, nếu không ghi bắt buộc trong bản án thì không có quyền cưỡng bức người ta lao động".
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng đồng ý rằng, trong quá trình cải tạo phạm nhân, ông hoàn toàn nhất trí phương án phải dạy nghề cho phạm nhân để cho người ta tái hòa nhập với cộng đồng.
"Dạy nghề đó có một số hình thức lao động nhưng nó không phải là sản xuất ra sản phẩm để chúng ta đưa ra thương mại, vấn đề nó rất là quan trọng. Cho nên, nhận thức về vấn đề này, theo tôi chúng ta cần phải có một sự nghiên cứu thật kỹ lưỡng", ông nói.
Đồng thời, vị đại biểu tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để ban hành các quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức. "Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, góp phần vào việc triển khai thực hiện Công ước số 105 có tính khả thi trong đời sống xã hội", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với Công ước 105
Báo cáo thêm, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong suốt thời gian qua, để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến về công ước này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, nhất là Bộ: Lao động – TB&XH, Tư pháp, Ngoại giao rà soát lại toàn bộ các cơ sở pháp lý.
"Trên cơ sở đó, đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, cũng như đã tham vấn kỹ lưỡng các ý kiến của Tổ chức lao động Quốc tế ILO", Bộ trưởng nói.
Phân tích rõ thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, phải khẳng định công ước 29, và Công ước 105 là một cặp. "Thực ra, nhiều nước có phân lập, khi hoàn thiện rồi, có thể thông qua và phê chuẩn một lúc cả 2 công ước. Nhưng nhiều quốc gia trong quá trình tiến hành, thông thường đã phê chuẩn từng công ước".
Theo đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, năm 2007, khi Việt Nam trình và phê chuẩn Công ước 29 đã có rà soát và xem xét các vấn đề của Công ước 105. Quá trình soạn thảo, ban soạn thảo đã xem lại toàn bộ hồ sơ lúc bấy giờ và thấy rằng, khi đó có đặt ra, nhưng do bấy giờ chưa đủ điều kiện để tham gia, vì còn nhiều nội dung pháp luật chưa tương thích (như ban nãy tôi đã báo cáo thuyết minh) – Bộ trưởng nêu rõ thêm.
Công ước 105 là công ước tiến bộ, văn minh, và quá trình chuẩn bị trình Quốc hội, Thủ tướng Chính Phủ, và Chính phủ đã chỉ đạo xem xét một cách thấu đáo vấn đề này. Đặc biệt, thêm một lần nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh, cũng đã tham vấn tổ chức ILO, các tổ chức quốc tế có liên quan về vấn đề này.
Vì thế, việc gia nhập Công ước 105, Bộ trưởng nêu rõ: "Phải khẳng định trước hết xuất phát từ chính lợi ích của chúng ta. Vì đảm bảo quyền công dân, quyền con người, để thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là chống lao động cưỡng bức, và không chấp nhận lao động cưỡng bức. Chủ trương này vì lợi ích của chính chúng ta, không phải chịu bất cứ một sức ép nào, một sự tác động từ bên ngoài nào".
Thứ hai, là thành viên Tổ chức Lao động quốc tế, từ trước đến nay luôn tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các Tuyên bố 1998, trong đó có các nội dung của Công ước 105. Thực tế Việt Nam đã và đang nỗ lực rất lớn để thực hiện các cam kết quốc tế.
Thứ ba, đến giờ này, Chính phủ khẳng định cơ sở pháp lý của Việt Nam đầy đủ, hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với các quy định của Công ước 105. Không có một văn bản nào trái với quy định Công ước 105.
Lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức
Trên cơ sở đó, để giải đáp băn khoăn mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu, cũng như qua quá trình lấy ý kiến cũng còn ý kiến băn khoăn, hay một số ý kiến hiểu không đầy đủ, chưa trọn vẹn về vấn đề lao động của phạm nhân trong trại giam, Bộ trưởng làm rõ thêm các nội dung này.
Trước hết, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, vấn đề lao động của phạm nhân trong trại giam theo quy định của thi hành án hình sự, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 105.
"Vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 29. Theo Công ước 29 thì lao động của phạm nhân được coi là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức", ông nói.
Đi vào phân tích cụ thể, Bộ trưởng cho biết, quy định có 3 dấu hiệu như sau: Dấu hiệu thứ nhất, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của Tòa án.
Dấu hiệu thứ hai, việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định Luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam.
Dấu hiệu thứ ba, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị áp đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân.
"Với ba điều kiện như vậy thì Công ước 29 quy định các đối tượng lao động phạm nhân này là trường hợp ngoại lệ", Bộ trưởng cho biết.
"Trên cơ sở đó thì các nước như thế nào?", Bộ trưởng nêu và cho biết, bản thân ông có tham khảo rất kỹ Tổ chức ILO, và được biết, hầu hết các nước cũng có lao động phạm nhân.
Và nếu như lao động phạm nhân có yếu tố thương mại thì phải có hợp đồng lao động, có thỏa thuận lao động và người lao động, phạm nhân đó được hưởng một phần thành quả của lao động đó.
"Vấn đề này, xin báo cáo thêm với Quốc hội là Tổ chức ILO hoàn toàn thống nhất với chúng tôi. Và trong văn bản đã chuẩn bị để trình với Quốc hội, cũng gửi kèm theo, có sự tham vấn ý kiến đầy đủ về vấn đề này của Tổ chức Lao động quốc tế ILO", Bộ trưởng cho biết.
Khẳng định, tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể tới từng cấp, từng ngành, từng địa phương để tổ chức thực hiện. "Và chúng tôi rất quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện này", ông nhấn mạnh.