THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em

Đoàn đại biểu Việt Nam, với sự tham gia của các đại diện từ chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động, đã tham gia thảo luận về các khoản đầu tư và thực hành tốt về giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp cho việc đi học và xóa bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận trường học.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn đầu có bài phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục đối với xóa bỏ lao động trẻ em. Ảnh: Hồng Minh/ TTXVN.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn đầu có bài phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục đối với xóa bỏ lao động trẻ em. Ảnh: Hồng Minh/ TTXVN.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em, giảm nguy cơ trẻ em bỏ học và giảm lao động trẻ em. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn và kêu gọi tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp vì việc làm bền vững cho thế hệ trẻ và xóa bỏ lao động trẻ em.

Việt Nam hiện có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục. Kết quả này có được từ các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, được thực hiện song hành với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều mô hình, giải pháp được thực hiện thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác, viện trợ quốc tế, như cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp với trẻ em tại các làng nghề truyền thống và khu vực kinh tế phi chính thức, tạo nguồn sinh kế cho các gia đình, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học từ Việt Nam trong việc đảm bảo giáo dục xuyên suốt cho trẻ em trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành cũng như các biện pháp đưa trẻ em quay lại trường học khi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan được nới lỏng.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng núi bằng việc chi ngân sách nhà nước và vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nhóm xã hội đề mở rộng diện bao phủ sóng Internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học.

“Với vị trí là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh 8.7, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động và mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã đưa ra được những giải pháp về tăng cường chất lượng giáo dục, tăng cường sự tiếp cận giáo dục của các đối tượng trẻ em, đặc biệt là trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Giáo dục là chìa khóa quan trọng để chặt đứt vòng luẩn quẩn của nghèo đói, dẫn đến lao động trẻ em.

Theo ông Nam, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về phổ cập giáo dục theo độ tuổi. Điều tra xã hội gần đây nhất về lao động trẻ em tại Việt Nam cho thấy số trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục ngày càng tăng. Nhận định đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua đã đặt ra nhiều thách thức cho việc đạt được mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025, tiến tới xóa bỏ lao động cưỡng bức vào năm 2030 trên toàn cầu, ông Nam nhấn mạnh các quốc gia và các tổ chức vẫn đang nỗ lực duy trì Mục tiêu 8.7. Ông Nam khẳng định: "Một phương châm hành động của hội nghị lần này được đưa ra là 'Hãy chung tay trong việc xóa bỏ lao động trẻ em' và đặt trẻ em vào trọng tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tiên phong trong liên minh hành động xóa bỏ lao động trẻ em, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đặt ra vào năm 2025 và 2030".

Đ.THỌ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh