CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:14

Việt Nam cần 300.000 nhân viên công tác xã hội

*  Từ góc nhìn của Hiệp hội, xin ông cho biết về nhu cầu nguồn nhân lực ngành CTXH hiện nay?

- Theo khung quốc tế trung bình 1.000 dân cần có 1 nhân viên CTXH, 500 dân phải có 1 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, Việt Nam cần khoảng 300.000 nhân viên CTXH chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Hiện cả nước đã hình thành, phát triển được 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Số lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh với 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề. Các tỉnh, thành phố đã hình thành mạng lưới 80.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH ở các hội, đoàn thể các cấp.

Tuy nhiên cả nước mới có khoảng 70.000 nhân viên CTXH cả đào tạo và chưa đào tạo, như vậy nhân lực ngành CTXH mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu đặc biệt là nhân lực cấp xã, cấp cơ sở.

* Với nhu cầu nguồn nhân lực lớn như vậy, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hệ thống các trường đào tạo nghề CTXH đang gặp phải nhiều khó khăn, ông nhìn nhận vấn đề trên như thế nào?

- Có thể nói trong 5 năm gần đây nghề CTXH đã có bước phát triển đột phá. Nó  thể hiện  trên mấy vấn đề: Thứ nhất khuôn khổ pháp lý đã được hình thành; Hệ thống các trường tham gia đào tạo nghề CTXH rất phát triển, trước đây chỉ có 1-2 trường, nhưng đến nay đã có trên 50 trường đại học và cao đẳng tham gia đào tạo. Mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên theo học ngành này. Chương trình  đào tạo cũng đã chia ra nhiều cấp cử nhân, cao đẳng, thạc sĩ và hiện đang xúc tiến đào tạo tiến sĩ.

Nhân viên CTXH tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Nhà trẻ Hữu Nghị (TP.Hà Nội). 

 Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực CTXH còn nhiều bất cập. Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giảng viên còn chưa hoàn thiện. Đa số giảng viên đều “tay ngang” vào nghề như xã hội học, tâm lý học. Cơ sở thực hành còn yếu và thiếu. Chúng ta mới bắt đầu từ mô hình trung tâm bảo trợ xã hội. Đa số sinh viên vẫn phải thực hành nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Trong khi đó, trung tâm bảo trợ tính chất chủ yếu là nuôi dưỡng. Còn trung tâm CTXH có thêm những chức năng tư vấn, tham vấn và hỗ trợ. Đội ngũ kiểm huấn viên (đào tạo thực hành) cũng còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vẫn chưa chuẩn hóa. Mỗi trường dạy theo một kiểu khác nhau. Nhiều nơi có giảng viên ngành xã hội học dạy thì sẽ bị ảnh hưởng theo kiểu định tính của ngành xã hội học chứ không thực hành. Trong khi đó, ngành CTXH đòi hỏi thực hành theo nhóm, cộng đồng, gia đình nhiều. Mặt khác, cơ sở vật chất đào tạo cho nghề CTXH còn có khoảng cách xa với thế giới. Tại Mỹ, họ có hệ thống công nghệ thông tin, máy chiếu hình ảnh giúp giảng viên hạn chế thời gian để mô tả những ví dụ. Có như vậy, lượng kiến thức được tích hợp nhiều hơn cho người học.

* Tại sao nhu cầu về nhân lực CTXH    rất lớn, nhưng nhiều sinh viên ngành CTXH ra trường vẫn không tìm được việc làm, thưa ông?

- Thực ra việc học và sử dụng phải được gắn kết với nhau. Cách đây một hai năm sinh viên ngành CTXH tốt nghiệp ra trường tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Bởi vì khi đó mới có Bộ LĐ-TB&XH xây dựng mạng lưới chương trình xây dựng  Trung tâm CTXH cộng đồng cấp huyện (700 huyện), còn  Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế chưa kịp triển khai đề án của mình. Đến nay, Bộ GD&ĐT đang thí điểm triển khai thực hiện đề án tư vấn học đường. Với 100.000 trường học, mỗi trường học cần 1 nhân viên CTXH thì con số nhân lực cần khoảng 100.000 người. Bộ Y tế đang triển khai Đề án CTXH ở các bệnh viện thì mỗi bệnh viện sẽ phải có bao nhiêu nhân viên CTXH. Hiện nay Bộ Nội vụ công nhận mã ngành, nghề góp phần xác định vị trí việc làm cho ngành CTXH. Khi các vị trí việc làm được xác định và các bộ vào cuộc thì việc sinh viên ngành CTXH ra trường sẽ giảm áp lực lo lắng không tìm được việc làm. 

NG.SÍU-C.HÒA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh