THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:41

Việt Nam cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân

Sau đây là toàn bộ Thông điệp quan trọng này.

"Thưa Ngài Chủ tịch,

Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã kết thúc cách đây 75 năm nhưng chỉ sau khi thế giới phải chứng kiến sức hủy diệt của bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.

Nhằm bảo vệ cho các thế hệ tương lai trước những thảm họa của chiến tranh và những mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhân loại, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và chung sống hòa bình giữa các quốc gia, cũng như gìn giữ nguồn tài nguyên hữu hạn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Phiên họp Đặc biệt đầu tiên của Đại Hội đồng LHQ về Giải trừ quân bị đã nhấn mạnh rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân là ưu tiên cao nhất.

Kể từ đó tới nay, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chúng ta đã thiết lập được hệ thống các khuôn khổ đa phương và song phương về vấn đề giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm hơn 3/4 so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Phần lớn các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã tạm ngừng thử nghiệm hạt nhân. 5 khu vực phi vũ khí hạt nhân trải rộng trên phạm vi hơn 100 quốc gia đã được thiết lập, trong đó có Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân được ASEAN thiết lập từ năm 1995.

Việt Nam cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, triển vọng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vẫn còn xa vời. Kho vũ khí hạt nhân hiện nay vẫn còn khả năng phá hủy toàn bộ thế giới. Trong khi đó, chúng ta vẫn đối mặt với nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước vô trách nhiệm. Căng thẳng leo thang giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang gây ra sức ép không nhỏ đối với bộ máy giải trừ quân bị toàn cầu.

Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi cũng đã tham gia tất cả các điều ước quốc tế về vấn đề này, bao gồm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), và gần đây nhất là Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đẩy mạnh cam kết giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân theo Điều 6 của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, khôi phục lòng tin đối với các thể chế đa phương về giải trừ quân bị, phát huy vai trò của các cấu trúc khu vực trong thiết lập và duy trì các khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cam kết duy trì Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tham gia cùng tất cả các bên nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá trình triển khai Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Đồng thời, quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình cần phải được tôn trọng.

Nhân Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, tất cả chúng ta cần tái khẳng định trách nhiệm pháp lý và đạo lý đối với mục tiêu về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Chúng ta cần chung tay hiện thực hóa cam kết này, vì một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng".

Phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã diễn ra ngày 2/10/2020 (giờ New York, Hoa Kỳ), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 75.

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh