CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:39

Việt Nam – Malaysia ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động

 

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, phía Malaysia mong muốn cùng Việt Nam thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, đặc biệt là trong tiếp cận với các công việc có tay nghề và thu nhập ổn định.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bản ghi nhớ gồm 13 điều, quy định phương thức, nguyên tắc hợp tác; Hợp đồng lao động; Điều kiện tuyển dụng lao động; Thời hạn sử dụng lao động; Trách nhiệm của các bên; Giải quyết tranh chấp... Điều thay đổi quan trọng là Bản ghi nhớ có 3 phụ lục kèm theo. Cụ thể: Phụ lục A: mẫu Hợp đồng lao động ký giữa Người lao động và Người sử dụng lao động; Phụ lục B: Quy định trách nhiệm của Người sử dụng lao động, công ty môi giới Malaysia, Người lao động và doanh nghiệp Việt Nam; Phụ lục C: quy định các điều khoản tham chiếu cho Nhóm công tác chung của hai Chính phủ theo dõi quá trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ. Đặc biệt, trong hợp đồng mẫu có nội dung quy định người lao động có quyền được giữ hộ chiếu và các giấy tờ cá nhân. Đây là những cơ sở quan trọng giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaixia.

Với việc ký Bản ghi nhớ lần này, Việt Nam có quyền được trao đổi các thông tin về pháp luật và chính sách của hai nước liên quan đến vấn đề lao động và việc làm; được phép đưa Người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia phù hợp với các điều kiện tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của luật pháp Malaysia. Bên cạnh đó, phía Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Người lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia theo các hình thức được quy định tại Bản ghi nhớ; thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, trong lãnh thổ của mình, để phòng ngừa và ngăn chặn vượt biên bất hợp pháp, nạn buôn bán người và tuyển dụng lao động nước ngoài trái pháp luật.

 

Ảnh minh họa

 

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Malaysia làm việc từ năm 2002. Năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động.

Thực hiện Bản ghi nhớ này, ta đã đưa được trên 220.000 lao động sang làm việc tại thị trường lao động này, góp phần giảm sức ép giải quyết việc làm hàng năm ở trong nước, giúp xoá đói giảm nghèo cho người lao động tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng người lao động sang Malaysia có phần giảm sút nhiều. Nguyên nhân do ta đã mở thêm được một số thị trường lao động mới; sức hấp dẫn về tiền lương, thu nhập của người lao động tại thị trường này không còn như trước, cơ chế quản lý giám sát đối với lao động nước ngoài còn hạn chế dẫn đến vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Hiện Malaysia có khoảng 3,1 triệu lao động nước ngoài đang làm việc (kể cả hơn 1 triệu lao động không có giấy tờ cư trú và làm việc hợp pháp) đến từ 14 quốc gia, chủ yếu là những nước Đông Nam Á và Nam Á như: Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Cambodia, Nepal, Myanmar, Lào, Việt Nam, Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan. Trong đó lao động chiếm tỷ lệ nhiều nhất là Indonesia khoảng 51%, kế đến là Bangladesh với 17%, Nepal với 9,7%.... Việt Nam đứng thứ bảy trong số các quốc gia đang có nhiều lao động tại Malaysia với khoảng hơn 2%. Các ngành nghề chủ yếu là sản xuất chế tạo khoảng 38.2%, xây dựng khoảng 16%, trang trại và đồn điền (chủ yếu làm trồng cọ) khoảng 14.2% và các ngành nghề khác như nông nghiệp, dịch vụ, giúp việc gia đình…  

Bên cạnh hình thức lao động nước ngoài di cư vào Malaysia để làm việc, cũng có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài đến Malaysia sinh sống, học tập hoặc đầu tư. Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách “Second Home” khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản, cũng như việc chi phí sinh hoạt và học phí rẻ nên thu hút nhiều sinh viên và nhà đầu tư nước ngoài di cư vào Malaysia.

Đăng Khoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh