CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

Việt Nam – Australia: Tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong GDNN

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại cơ sở đào tạo ngành du lịch khách sạn của trường TAFE NSW.

 

 Bản ghi nhớ này là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực GDNN lên một tầm cao mới, xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược vừa được chính thức thiết lập giữa hai nước.

Bản ghi nhớ xác định 04 nhóm nội dung hai bên ưu tiên thúc đẩy hợp tác gồm:

Thứ nhất là hợp tác trong  xây dựng chính sách, quản trị và kiểm định chất lượng GDNN: Hai bên sẽ hợp tác nhằm xây dựng hệ thống, chính sách GDNN trong đó có kiểm định chất lượng đào tạo và tăng cường quản trị tốt; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề; chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ các đối tượng đặc biệt tham gia học nghề; chia sẻ kinh nghiệm về việc cải thiện quan niệm về giá trị của GDNN trong lựa chọn định hướng nghề của lao động trẻ.

Thứ hai là tăng cường hợp tác trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đánh giá viên, hợp tác trong xây dựng giáo trình và tổ chức các hoạt động đào tạo;

Thứ ba là thúc đẩy và hỗ trợ sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN của hai nước thông qua các hoạt động liên kết đào tạo chất lượng cao, chia sẻ kinh nghiệm quản trị giữa các cơ sở GDNN; trao đổi thông tin về áp dụng công nghệ đổi mới giáo dục;

Thứ tư là thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên; tăng cường các học bổng quốc tế.

 

Hội nghị bàn tròn về giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Australia.

 

Toàn cảnh buổi làm việc song phương giữa Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia.

 

* Tiếp theo sự kiện ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GDNN giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách GDNN và Kỹ năng Australia Karen Andrews tại Canberra, ngày 16/3/2018 ngay sau khi tới Sydney, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã tới thăm và làm việc với trường TAFE NSW ở Sydney, đồng thời dự Hội nghị bàn tròn về GDNN giữa Việt Nam và Australia, Bộ trưởng bày tỏ sự ấn tượng về cơ sở vật chất của trường, đặc biệt trường có thế mạnh về hợp tác quốc tế trong đào tạo, có những khoá đào tạo cho 100% người nước ngoài, có được sự công nhận bằng cấp ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Tại Hội nghị bàn tròn về GDNN giữa 2 nước, sau khi nghe phía Australia báo cáo về hệ thống GDNN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vai trò, trách nhiệm của doanh  nghiệp trong GDNN, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực này, sự phân luồng, liên thông trong GDNN của Australia. Bộ trưởng cũng đề nghị phía bạn nêu rõ những khó khăn, rào cản cho sự hợp tác về GDNN giữa 2 nước trong thời gian qua. Phía Australia khẳng định, rào cản lớn nhất hiện nay là vấn đề tiếng Anh, tiếp đến là sự khác biệt về hệ thống và sự công nhận bằng cấp lẫn nhau. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ những khó khăn này, nhưng cho rằng 2 nước cũng có nhiều sự tương đồng và có nhiều cơ hội để hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn trong thời gian tới theo tinh thần Bản ghi nhớ đã ký giữa 2 Bộ, đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo hệ thống GDNN của Việt Nam, trước hết là các trường chất lượng cao ở các thành phố lớn, có ưu thế về năng lực tiếng Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GDNN của Australia trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn Bộ LĐ-TB&XH tại buổi làm việc.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng bức tranh Khuê Văn Các cho Bộ trưởng Karen Andrews.

 

*.Chiều cùng ngày 17/3/2018 tại Sydney, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách GDNN và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã có buổi làm việc song phương bàn về phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực GDNN trong bối cảnh Bản ghi nhớ vừa được hai Bộ trưởng ký trước đó 1 ngày.  Cùng dự buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo Tổng cục GDNN, Vụ Hợp tác Quốc tế và trường cao đẳng Kỹ nghệ II.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Karen Andrews bày tỏ sự vui mừng được đón Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đến thăm Australia và có buổi làm việc ngay sau khi hai bên vừa ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GDNN. Bộ trưởng Karen Andrews trao đổi về công tác dự báo xu hướng phát triển của các nghề của Australia và cho biết đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch và nội dung dạy nghề sao cho sát với nhu cầu của thị trường. Về vấn đề này, bà Bộ trưởng chia sẻ Australia dự báo trong 10 năm tới, có 3 ngành sẽ cần tới nhiều nhân lực là: du lịch – khách sạn, nhà hàng; chăm sóc sức khỏe, nhất là những hộ lý chăm sóc sức khỏe cho người già và người tàn tật trong bối cảnh già hóa dân số; nhân lực cho các công việc sử dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Bộ trưởng Andrews cũng cho biết, tại Australia  có một tỉ lệ khá lớn sinh viên tốt nghiệp đại học đã theo học thêm các khóa học về GDNN để có thêm kỹ năng thực hành nghề, để có cơ hội tốt hơn trong tìm kiếm việc làm thích hợp cho bản thân.  

 Trao đổi với phía bạn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao hệ thống GDNN của Australia, và đề nghị Australia chia sẻ kinh nghiệm trong việc gắn các nhu cầu của các ngành kinh tế, của các doanh nghiệp với nội dung giảng dạy, gắn việc giảng dạy lý thuyết trên lớp với thực hành ngay tại doanh nghiệp; xây dựng chính sách đào tạo nghề ,liên tục bổ sung, cập nhật kiến thức về thực hành nghề cho người lao động, kể cả đối với những sinh viên đã tốt nghiệp đại học.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao kinh nghiệm của Australia trong tổ chức và hoạt động của các hội đồng tham vấn ngành về GDNN- một thiết chế đảm bảo sự gắn kết giữa nội dung đào tạo và nhu cầu thực của thị trường, dự báo nhu cầu nhân lực cho tương lai. Tại Việt Nam với chức năng quản lý nhà nước thống nhất về lao động, việc làm và GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực tham mưu cho Chính phủ đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN nhằm góp phần thực hiện thành công đột phá về phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ Australia hỗ trợ để các văn bằng chứng chỉ được cấp tại Việt Nam cho những học viên theo học các khóa đào tạo nghề hợp tác giữa các trường nghề của Australia và Việt Nam sẽ được công nhận ở Australia, đồng thời đề nghị Australia có chính sách tạo điều kiện cho những sinh viên này được thực tập nghề tại Australia.

Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây về lĩnh vực GDNN như: Australia đã chuyển giao cho Việt Nam 12 bộ chương trình của 12 nghề và đang được giảng dạy  thí điểm tại 25 trường nghề của Việt Nam; hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý các trường dạy nghề của Việt Nam đã được sang Australia đào tạo nâng cao năng lực theo những khóa đào tạo ngắn hạn; một số trường nghề của Australia đã hợp tác với các cơ sở GDNN của Việt Nam để liên kết mở những chương trình hợp tác đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai Bộ trưởng đều thống nhất rằng sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GDNN còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Bởi vậy, hai Bộ trưởng cho rằng, trong những năm tới, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GDNN cần được nâng lên tầm cao mới, với những hình thức hợp tác đa dạng và ở cả cấp giữa các cơ quan nhà nước cũng như giữa các cơ sở GDNN của hai nước.

 Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ trưởng thống nhất Bản ghi nhớ mà hai Bộ trưởng vừa ký là cơ sở quan trọng cho việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GDNN để sự hợp tác này phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, góp phần thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế và đầu tư giữa hai nước theo đúng tinh thần của mối quan hệ đối tác chiến lược vừa được Thủ tướng của hai nước ký Tuyên bố chung. Hai bên thống nhất sẽ chọn và giới thiệu một số trường nghề có chất lượng cao, đang giảng dạy những nghề mà hai bên quan tâm để đi đầu trong việc tiến hành hợp tác đào tạo. Tạo điều kiện thuận cho sự hợp tác các cơ sở GDNN của hai bên. Cuối cùng, hai Bộ trưởng một lần nữa khẳng định sẽ sớm giao nhiệm vụ cho các bộ phận kỹ thuật của hai Bộ sớm tiến hành các bước cụ thể để triển khai có hiệu quả nội dung của Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GDNN. 

PHƯƠNG MINH tổng hợp tin từ Vụ HTQT, Tổng cục GDNN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh