CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:12

Việt Nam - Ấn Độ: mục tiêu thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020

Đại diện chính quyền Bang Bihar đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay Gaya

 

Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, Nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập kiệt xuất của nhân dân Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu

Tham dự Hội đàm, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và quan chức cao cấp Việt Nam.

Về phía Ấn Độ có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sushma Swaraj, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Subhash Ramrao Bhamre, Trợ lý Thủ tướng Nripendra Misra, Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và một số quan chức cao cấp Ấn Độ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng thăm Ấn Độ trên cương vị Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam và chúc mừng Nhà nước và nhân dân Ấn Độ về những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đạt được những bước tiến lớn về khoa học- kỹ thuật cũng như không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng N. Modi chúc mừng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ nhà APEC 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của quan hệ Việt Nam- Ấn Độ sau hơn 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và tái khẳng định tình hữu nghị thắm thiết, bền chặt giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự (ảnh: TTXVN)

 

Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, các văn kiện về khuôn khổ quan hệ chính trị đã thông qua; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của hai nước để tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu

Nhằm đạt mục tiêu thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020, hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai các biện pháp đột phá, trong đó chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hai bên có tiềm năng và thế mạnh; hạn chế các rào cản thương mại, tham vấn chặt chẽ về chính sách thương mại, mở rộng kết nối hàng không, hàng hải để tạo thuận lợi cho giao thương; nhất trí trao đổi các gói hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực có thể tạo đột phá, như về hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học - kỹ thuật; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam mong muốn đón thêm dòng đầu từ các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin…

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng- an ninh, nhất là về đào tạo tiếng Anh, xây dựng năng lực, huấn luyện kỹ năng, chuyển giao công nghệ, cấp tín dụng ưu đãi và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam trong năm 2018; cảm ơn và đánh giá cao Ấn Độ luôn dành ưu tiên cao trong lĩnh vực này cũng như việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Bang Bihar Prem Kumar (Ảnh: TTXVN)

 

Hai nhà Lãnh đạo khẳng định cần tăng cường nhận thức của thế hệ trẻ đối  với mối liên hệ lâu đời về văn hóa, tôn giáo giữa hai nước, thúc đẩy giao lưu nhân dân, kết nối và hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Ấn Độ tài trợ triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Mỹ Sơn và dự kiến tiếp tục hỗ trợ bảo tồn, trung tu các nhóm tháp Chăm tại Ninh Thuận. 

 Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Ấn Độ Modi nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).  

Thủ tướng Modi khẳng định, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong ứng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, chia sẻ các sáng kiến về những vấn đề toàn cầu hiện nay nhằm thúc đẩy đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp này, gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch Hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh